Những yếu tố chi phối thị trường chứng khoán Mỹ sắp tới

07:29' - 31/05/2021
BNEWS Số liệu việc làm tháng 5/2021 sẽ là thông tin mang tính chi phối thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần đầu tiên bước vào tháng Sáu - thời điểm thường được dự báo là khá “ảm đạm” trong cả năm.

Thị trường Mỹ sẽ đóng cửa vào thứ Hai (31/5) để nghỉ lễ Ngày Tưởng niệm. Như vậy, tính đến phiên giao dịch cuối cùng của tháng Năm (28/5), các chỉ số chính đã có diễn biến ngược chiều nhau.

Tính trong cả tháng 5/2021, chỉ số tổng hợp S&P 500 tiến thêm 0,5%, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,9% nhưng chỉ số công nghệ Nasdaq lại mất 1,5%.
Tháng Sáu trong lịch sử thường không phải là tháng các thị trường chứng khoán tăng mạnh. Trong 20 năm qua, số lần chứng khoán Mỹ tăng điểm trong tháng Sáu chỉ là 40%.

Theo công ty quản lý tài sản Bespoke Investment Group, tháng Sáu với tháng Chín thường là những tháng tồi tệ nhất đối với chứng khoán Phố Wall, với mức giảm trung bình của chỉ số Dow Jones là 0,7% trong giai đoạn này.
Bên cạnh các chỉ số quan trọng về hoạt động sản xuất và dịch vụ do Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) công bố vào 1/6 và 3/6, thị trường sẽ dồn nhiều chú ý vào báo cáo việc làm tháng 5/2021 của Mỹ, được công bố vào này 4/6.
Các nhà kinh tế dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới tạo được 674.000 việc làm vào tháng Năm. Giới đầu tư đặc biệt chú ý tới bản báo cáo này sau khi tháng Tư đã gây nhiều thất vọng với chỉ 266.000 việc làm mới.
Ông George Goncalves, người đứng đầu bộ phận chiến lược vĩ mô tại công ty tư vấn tài chính MUFG, cho biết nếu hai tháng liên tiếp số liệu việc làm không đạt kỳ vọng, nhà đầu tư trên thị trường sẽ ngày càng lo lắng.

Chuyên gia này hy vọng điều đó không xảy ra, và thị trường có thể lạc quan trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), dự kiến diễn ra vào ngày 15 -16/6.
Cuộc họp của Fed được đánh giá là sự kiện quan trọng nhất trong tháng Sáu tới. Các quan chức Fed đã nhấn mạnh rằng họ sẽ duy trì chính sách tiền tệ hiện nay trong khi vẫn quan sát các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang thực sự phục hồi.

Các quan chức của ngân hàng trung ương cũng cho rằng, lạm phát cao hơn chỉ mang tính tạm thời, và bởi chỉ số lạm phát được so sánh với mức cơ sở tương đối thấp của năm ngoái.
Việc lạm phát “leo thang” diễn ra trong bối cảnh các nhà kinh tế tranh luận về việc liệu những biện pháp kích thích của chính phủ và chính sách tiền tệ hiện thời của Fed có khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới phát triển quá “nóng” hay không.
Fed đã cam kết giữ lãi suất cho vay ở mức thấp, đồng thời duy trì chương trình mua trái phiếu khổng lồ cho đến khi lạm phát ổn định trên 2% và thị trường việc làm phục hồi hoàn toàn. Theo giới phân tích, tâm lý thị trường còn phụ thuộc nhiều vào việc khi nào Fed sẽ thu lại các chương trình hỗ trợ kinh tế của mình.
Các quan chức Fed đã nói rằng họ sẽ xem xét thảo luận về việc giảm dần chương trình nới lỏng định lượng và đó sẽ là bước đi đầu tiên hướng tới việc tăng lãi suất, và thời điểm này dự kiến sớm nhất là vào năm 2023.
Chỉ số lạm phát chính của Mỹ trong tháng 4/2021 đã tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ tháng 9/2008.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, nếu chỉ số giá tiêu dùng tăng quá nhanh, vũ khí chính của Fed để chống lại lạm phát là tăng lãi suất. Viễn cảnh lãi suất cao hơn “phủ bóng đen” lên thị trường chứng khoán, vì điều đó làm tăng chi phí của các công ty trong khi thanh khoản thu hẹp.

Về lý thuyết, lãi suất cao hơn cũng khiến các nhà đầu tư tìm đến các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn như trái phiếu có lợi suất cao.
Về khía cạnh thị trường tài chính, các nhà quan sát lưu ý đến dấu hiệu cho thấy sự gia tăng thanh khoản lớn trong hệ thống tài chính.

Ông George Goncalves nhận định, có quá nhiều thanh khoản trong hệ thống và điều này xuất phát từ các chương trình nới lỏng định lượng mà Fed đang triển khai, cũng như các gói kích thích tài chính.

Các tổ chức và cá nhân tiếp tục chuyển tiền vào quỹ thị trường tiền tệ, hiện đang nắm giữ khoảng 4.600 tỷ USD.
Những khoản tiền đó cũng gây áp lực lớn lên hệ thống tài chính. Ông Goncalves nói: “Chưa có tiền lệ cho việc này bởi vì đây hoàn toàn là kết quả của việc có quá nhiều tiền trong hệ thống”. Tình hình hiện tại cũng làm dấy lên suy đoán rằng Fed sẽ điều chỉnh chương trình nới lỏng định lượng sớm hơn dự kiến./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục