Những yếu tố chi phối thị trường chứng khoán Mỹ

16:15' - 29/12/2022
BNEWS Các nhà đầu tư chứng khoán tại Mỹ có thể đang nóng lòng muốn khép lại năm 2022 - một năm lao dốc của thị trường.

Các nhà đầu tư chứng khoán tại Mỹ có thể đang nóng lòng muốn khép lại năm 2022 - một năm lao dốc của thị trường, chủ yếu do Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát ở mức kỷ lục 40 năm.

Chỉ số S&P 500 giảm gần 20% kể từ đầu năm, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008. Mức giảm với chỉ số Nasdaq Composite thậm chí còn mạnh hơn, với gần 34%.

Giảm giá mạnh nhất là các cổ phiếu từng tăng mạnh như của tập đoàn thương mại điện tử Amazon, với mức giảm khoảng 50% trong năm nay, còn giá cổ phiếu của hãng xe điện Tesla giảm khoảng 70% và giá cổ phiếu của Meta (công ty mẹ của Facebook) giảm khoảng 65%. Trong khi đó, các cổ phiếu năng lượng lại tăng giá.

Lạm phát và tốc độ tăng lãi suất của FED nhằm hạ nhiệt lạm phát có thể sẽ vẫn là yếu tố quyết định diễn biến của thị trường chứng khoán trong Năm mới 2023. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi tác động từ việc tăng lãi suất, trong đó có tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế và việc liệu các tài sản khác có cạnh tranh hơn so với cổ phiếu hay không.

Vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm nhất trong Năm mới là liệu nền kinh tế có rơi vào suy thoái hay không. Nếu kinh tế rơi vào suy thoái trong năm tới, thị trường có thể tiếp tục lao dốc. Suy thoái có xu hướng tác động mạnh đến thị trường chứng khoán. Chỉ số S&P 500 giảm trung bình 29% trong các cuộc suy thoái kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Tuy nhiên, thị trường thường phục hồi mạnh sau đó.

 

Các nhà đầu tư cũng lo ngại các dự báo về lợi nhuận doanh nghiệp có thể không được cân nhắc đầy đủ trong trường hợp nền kinh tế suy thoái, điều khiến thị trường giảm mạnh hơn. Theo Refinitiv IBES, các nhà phân tích ước tính lợi nhuận của các công ty trong chỉ số S&P 500 tăng 4,4% trong năm 2023. Tuy nhiên, theo Ned Davis Research, lợi nhuận giảm trung bình 24% trong các cuộc suy thoái.

Việc FED tăng lãi suất đã khiến lợi suất trái phiếu tăng và tạo sự cạnh tranh với cổ phiếu. Lợi suất trái phiếu kho bạc điều chỉnh theo lạm phát (để bảo vệ các nhà đầu tư khỏi những tác động tiêu cực của việc tăng giá) kỳ hạn 10 năm hiện ở mức khoảng 1,5%, sau khi chạm mức cao nhất trong hơn một thập niên hồi tháng 10 vừa qua.

Việc đồng USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác trong năm nay đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhiều công ty đa quốc gia của Mỹ, khi chuyển lợi nhuận sang đồng USD. Đồng tiền này tăng chậm hơn trong những tuần gần đây và sự đảo ngược có tiếp tục hay không sẽ tùy thuộc vào đánh giá của nhà đầu tư về mức độ thắt chặt chính sách của FED so với các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục