Những yếu tố làm chao đảo các thị trường toàn cầu năm 2016

07:31' - 31/12/2016
BNEWS Những xáo động mạnh mẽ trên các thị trường tài chính-tiền tệ toàn cầu ngay trong tháng 1/2016 có thể coi là tín hiệu đầu tiên báo hiệu một năm nhiều sóng gió và bất ngờ trên thị trường thế giới.
Những yếu tố làm chao đảo các thị trường toàn cầu năm 2016. Ảnh: Getty Images
Các chuyên gia phân tích nhìn nhận thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhằm vực dậy giá dầu, việc nước Anh "chia tay" Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit, sự kiện tỷ phú Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và mối quan ngại về nợ và chính sách tỷ giá của Trung Quốc là những yếu tố dẫn tới nhiều xáo trộn nhất trên các thị trường toàn cầu trong năm 2016. 

Những ngày đầu tiên của năm, các thị trường tài chính thế giới chao đảo trước nỗi lo ngại về khả năng hạ cánh cứng của kinh tế Trung Quốc. Chỉ trong 10 ngày giao dịch đầu tiên, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu mất hơn 4.000 tỷ USD, chỉ số chứng khoán S&P 500 giảm gần 8%, trong khi đồng nhân dân tệ (NDT) giảm trên 1,4% so với đồng USD. Thị trường trái phiếu toàn cầu cũng biến động mạnh do các ngân hàng trung ương can thiệp vào thị trường ngoại hối, trong khi giới đầu tư đổ tiền vào trái phiếu chính phủ để “tránh bão”. 

Sau một khởi đầu Năm Mới không mấy thuận lợi, giới tài chính nhìn nhận rằng dù đáng lo ngại, song những “sóng gió” này chưa đủ để đẩy thế giới vào một cuộc suy thoái mới.

Tuy nhiên, ngay sau đó thị trường liên tiếp đón nhận thêm những bất ngờ. Sự bùng nổ của công nghệ khai thác dầu đá phiến cộng thêm việc các nước OPEC chưa đạt được sự đồng thuận về chính sách khai thác dầu đã góp phần đẩy giá dầu thô Brent Biển Bắc giảm xuống còn 27,10 USD/thùng. Cổ phiếu và trái phiếu của các công ty dầu mỏ rớt giá mạnh, trong khi Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới - phải than thở rằng 30 USD cho một thùng dầu thô là mức thấp phi lý.

Cũng trong tháng đầu năm 2016, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) khiến cả thế giới ngỡ ngàng với việc tung ra chính sách lãi suất âm. Động thái này của BoJ đã khiến giới đầu tư bán tháo cổ phiếu ngân hàng và dòng vốn từ Nhật khi đó đã đổ về thị trường châu Âu và châu Mỹ nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư sinh lời tốt hơn.  

Sau khi những biến động tiêu cực đầu năm có thể coi là tạm lắng, thị trường tài chính toàn cầu lại dậy sóng trở lại với cuộc trưng cầu ý dân về việc nước Anh đi hay ở lại EU. Ngay trước cuộc trưng cầu này, giới đầu tư tỏ ra khá tin tưởng vào khả năng nước Anh sẽ ở lại châu Âu. Do vậy, thị trường toàn cầu thực sự sốc và cảm thấy bất an với kết quả nước Anh chọn giải pháp Brexit.

Quyết định này đã khiến đồng bảng Anh rớt giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt và xuống mức thấp nhất trong 31 năm so với đồng USD, trong khi các TTCK châu Âu, Mỹ đồng loạt "lao dốc".

Brexit làm đồng bảng Anh lao đao. Ảnh: globalnews.ca

Tuy nhiên, cú sốc Brexit và quyết định tái khởi động chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng trung ương Anh lại giúp thị trường trái phiếu hồi phục. Tính đến tháng 8/2016, các chỉ số của thị trường trái phiếu toàn cầu đạt mức cao nhất và tổng giá trị của thị trường trái phiếu có mức lãi suất dưới 0% đã tăng lên đến 13.400 tỷ USD.  

Dư chấn Brexit chưa qua, thế giới lại "xôn xao" vì cuộc bầu cử Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Tuy sự kiện này có thể không gây nhiều xáo trộn như Brexit, nhưng cũng khá “ồn ào” và khiến các bên tham gia thị trường theo sát từng diễn biến của cuộc bầu cử. Trong vài giờ đồng hồ đầu tiên sau khi kết quả bầu cử được công bố, các TTCK mất điểm mạnh, nhưng sau đó đã nhanh chóng phục hồi.

Dường như giới đầu tư tin rằng chính phủ mới dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump sẽ thực hiện kích cầu thông qua chính sách nới lỏng tài chính, cắt giảm thuế và nới lỏng các quy định đối với hoạt động kinh doanh.  

Giới phân tích cũng lưu ý rằng các chính sách của chính phủ mới sẽ tiếp thêm sức mạnh cho kinh tế Mỹ, song cũng sẽ đẩy tỷ lệ lạm phát đi lên. Điều này có lẽ sẽ đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên trái phiếu lãi suất cực thấp.

Trong tháng 12/2016, tổng giá trị trái phiếu lãi suất dưới 0% giảm xuống dưới mức 11.000 tỷ USD, trong khi TTCK Mỹ tăng điểm và liên tục lập các mức cao kỷ lục. Giới đầu tư cũng bán mạnh trái phiếu, đặc biệt là sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định nâng lãi suất trong cuộc họp chính sách cuối cùng của năm. Động thái này cho thấy rất có thể Fed sẽ đẩy nhanh việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm tới.  

Sự bùng nổ của các thị trường cổ phiếu sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng phản ánh tình hình diễn ra vào cuối tháng 11/2016 khi các nước thành viên OPEC rốt cuộc đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng lần đầu tiên kể từ năm 2008 tại cuộc họp ở thủ đô Vienna (Áo) trong một nỗ lực nhằm vực dậy giá dầu thô. Bước sang tháng 12/2016, các nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC cũng tán thành việc giảm nguồn cung dầu để hỗ trợ giá dầu thô.  

Vào thời điểm cuối năm, vấn đề nợ của Trung Quốc cùng với tình trạng đồng NDT yếu là nhân tố chi phối những biến động trên thị trường. Khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2017 và tác động của nó đối với Trung Quốc trở thành thách thức không nhỏ đối với các nhà nhà hoạch định chính sách và giới đầu tư ở Trung Quốc.

Đồng USD tiếp tục mạnh lên sẽ làm tiêu tan những nỗ lực của Trung Quốc trong việc ổn định đồng nội tệ và kiểm soát tình trạng thoái vốn khỏi nước này, đồng thời nó cũng làm gia tăng khả năng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phải tăng lãi suất ngắn hạn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục