Niềm vui từ những căn nhà dành cho người có công với cách mạng

08:19' - 17/07/2017
BNEWS Nhiều gia đình người có công với cách mạng không khỏi xúc động khi kể về căn nhà mới được nhà nước hỗ trợ kinh phí để xây dựng và sửa sang.

Đón khách trong ngôi nhà còn tươi màu vôi, nhiều gia đình người có công với cách mạng không khỏi xúc động khi kể về căn nhà mới được nhà nước hỗ trợ kinh phí để xây dựng và sửa sang theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở (Quyết định 22). Tại những vùng đất còn nhiều khó khăn, sự trợ giúp của chương trình càng thêm ý nghĩa.

Xây mới nhà ở cho người có công. Ảnh minh họa: TTXVN

Có mặt tại thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) trong ngày hè nắng nóng mới thấy hết những khó khăn của người dân nơi vùng đất miền Trung nắng gió chịu nhiều ảnh hưởng khắc nghiệt của thiên nhiên. Không những thế, đây còn là địa bàn tập trung nhiều đối tượng người có công nhất trong cả nước.

Bà Nguyễn Thị Phượng, 74 tuổi ở khối phố Ngọc Vinh, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn là vợ liệt sỹ. Chồng hy sinh đã 50 năm nay, khi bà mới chỉ 24 tuổi. Dù chỉ đi lại chậm chạp quanh quẩn trong nhà nhưng có khách đến thăm bà nhất định kéo tay, lần từng bước khó nhọc dẫn mọi người lên căn gác lửng có đặt bàn thờ chồng bà trên đó.

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ 40 triệu đồng của nhà nước, các con cháu trong gia đình đã góp thêm tiền giúp bà xây cất ngôi nhà có cả căn gác lửng. Nỗi lo chạy lụt khi lũ về đã bớt. Người vợ liệt sỹ đã yên tâm an hưởng tuổi già dưới mái ấm tình nghĩa này.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng theo Nghị quyết số 494/NQ-UBTVQH13 về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng và Quyết định 22 là một chính sách xã hội quan trọng được cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân đồng thuận, hoan nghênh và tích cực hưởng ứng, tổ chức thực hiện.

Khảo sát thực tế cho thấy, tại hầu hết các địa phương đã bám sát nội dung các văn bản hướng dẫn của cơ quan Trung ương. Cùng đó, tiến hành rà soát, tổng hợp danh sách đối tượng, thực hiện quản lý, sử dụng, cấp phát, thanh quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ và kiểm tra, giám sát theo quy định, đảm bảo công khai, minh bạch.

Nhiều địa phương đã hoàn thành hỗ trợ giai đoạn 1 đạt 100% kế hoạch như: Bắc Giang, Hòa Bình, Ninh Bình, Nghệ An, An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau...

Thậm chí, ngoài nguồn kinh phí do ngân sách Trung ương và địa phương cấp theo quy định tại Quyết định 22, có địa phương đã linh hoạt ứng trước kinh phí từ ngân sách của địa phương để hỗ trợ cho tất cả các hộ gia đình có tên trong Đề án nhưng chưa được ngân sách Trung ương cấp kinh phí như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long....

Nhiều nơi cũng chủ động ứng trước kinh phí để hỗ trợ từ 60 - 80% số hộ có tên trong Đề án như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Đời sống của người có công với cách mạng sau khi được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 22 đã được nâng cao hơn trước, nhà ở khang trang, bền chắc, có diện tích sử dụng tối thiểu 30 m2, đảm bảo vệ sinh môi trường, chắc chắn, kín đáo, tránh được tác động xấu của thời tiết.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quang Nam Thái Hoàng Vũ chia sẻ, Quảng Nam là tỉnh có số lượng người có công rất lớn. Hiện tỉnh đã thực hiện được 80% đề án và đã ứng khoảng 200 tỷ đồng (70% kinh phí) nhưng số tiền còn lại vẫn cần khoảng 100 tỷ đồng nữa.

Tuy nhiên, tỉnh vẫn sẽ ứng tiếp trong giai đoạn này và dự kiến là sau 27/7/2017 phấn đấu hoàn thiện đề án hỗ trợ.

Thực hiện Quyết định 22 trước đây có khó khăn rất lớn, lớn nhất là nguồn kinh phí. Tuy nhiên hiện nay, tỉnh đã nỗ lực thực hiện sớm chương trình ý nghĩa này khi tạm ứng từ ngân sách dù trên thực tế vẫn còn những bất cập cần tháo gỡ.

Đơn cử như trường hợp một số đối tượng đã qua đời thì có tiếp tục hỗ trợ đối với các thân nhân còn lại hay không. Hoặc những nhà phải chuyển từ sửa chữa sang mới hoặc đã sửa rồi nhưng vẫn phải xây mới lại vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Quảng Nam thì chỉ 2-3 năm là xuống cấp trầm trọng.

Nhất là khi đề án thực hiện từ năm 2013 và nay đã gần 5 năm thì nhà sửa chữa đã xuống cấp tới mức thành nhà cần xây mới. Do đó, việc thay đổi hình thức hỗ trợ cũng cần phải tính toán để phù hợp điều kiện, hoàn cảnh - ông Vũ nhận xét.

Ông Trần Văn Bút 80 tuổi ở khối Vim Minh, phường Điện Ngọc, Quảng Nam bộc bạch, cả hai vợ chồng ông đều thuộc đối tượng người có công với cách mạng. Vợ ông là bà Đặng Thị Xè năm nay cũng đã 86 tuổi. Nhà ông xây từ năm 1988 nên giờ đã xuống cấp. Gia đình ông bà chỉ mong nhanh được hỗ trợ để được hưởng căn nhà mới khang trang trước khi quá muộn vì tuổi đã cao.

Đồng quan điểm, đại diện tỉnh Long An kiến nghị, thủ tục hành chính rất cần được cải cách, nhất là khâu quyết toán. Một công trình hỗ trợ có 40 triệu đồng thì chỉ nên nghiệm thu một lần là đủ, thay vì nhiều lần, nhiều khâu như hiện nay.

Hiện ngân sách nhà nước đã hỗ trợ xây mới hơn 90.000 căn nhà, sửa chữa trên 75.000 căn nhà cho người có công.

Theo kế hoạch giai đoạn đầu, số hỗ trợ xây mới và sửa chữa khoảng 80.000 căn hộ, nhưng thực tiễn khi mở rộng đối tượng thì tính đến ngày 25/5/2017, con số này đã đội lên trên 380.000. Do đó, việc thực hiện đề án cần nghiêm túc, đúng đối tượng; tránh việc trục lợi chính sách và tiền hỗ trợ nhầm đối tượng.

Theo thống kê, giai đoạn 2, cả nước phấn đấu hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho 299.920 hộ gia đình có công với cách mạng còn lại theo số liệu mà các địa phương đã báo cáo; trong đó, bao gồm cả 18.833 hộ đề nghị bổ sung thêm trong 2 năm 2017 và 2018.

Bộ Xây dựng đề xuất, tiếp tục cấp kinh phí từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ cho các hộ gia đình còn lại theo số liệu nêu trên, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời và công khai, minh bạch.

Với các địa phương có điều kiện, có khả năng về ngân sách thì có thể cân đối, ứng trước từ ngân sách địa phương để hỗ trợ dứt điểm trong năm 2017. Sau khi có kinh phí được phân bổ vốn từ ngân sách Trung ương thì sẽ hoàn ứng.

Mặt khác, khuyến khích, kêu gọi xã hội hóa trong việc hỗ trợ, thu hút sự tham gia của cộng đồng, đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn để tăng mức kinh phí xây dựng, sửa chữa nhằm nâng cao chất lượng nhà ở cho người có công với cách mạng.

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, số lượng đối tượng cần hỗ trợ tăng lên rất lớn, có nơi gấp 4,6 lần nên cũng cần phải xem xét chặt chẽ. Nếu tiếp tục phát sinh, các địa phương sẽ phải tự cân đối kinh phí. Tuy nhiên, vấn đề giải ngân cũng cần phải linh hoạt, có thể cho ứng trước để hoàn thành dứt điểm chương trình này trong vòng 2 năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục