Ninh Bình: Nhà máy xử lý nước thải hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu

16:38' - 01/07/2021
BNEWS Nhà máy xử lý nước thải Thành Nam chỉ hoạt động với công suất khoảng 5.000 m3/ngày đêm, chỉ bằng 1/3 công suất thiết kế, cá biệt có những thời điểm nhà máy chỉ hoạt động với 10% công suất thiết kế.

Trong khi nhiều khu, cụm công nghiệp thiếu hệ thống xử lý nước thải hoặc hệ thống xử lý nước thải được đầu tư không đồng bộ dẫn đến hiệu quả hoạt động thấp thì ngược lại tại khu công nghiệp Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, Nhà máy xử lý nước thải Thành Nam được đầu tư đồng bộ với công nghệ tiên tiến, hiện đại nhưng đang phải hoạt động cầm chừng do thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào.

Nhà máy xử lý nước thải Thành Nam thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Thương mại Thành Nam, có trụ sở tại lô C7 Khu công nghiệp Khánh Phú, có tổng công suất thiết kế 45.000 m3/ngày đêm sau khi hoàn thành giai đoạn 2.

Trước mắt, giai đoạn 1 được xây dựng và đưa vào sử dụng giai đoạn 1 từ năm 2010 với công suất xử lý 15.000 m3/ngày đêm. Với công suất thiết kế và vận hành nhà máy giai đoạn này đảm bảo việc xử lý toàn bộ hệ thống nước thải từ các công ty, nhà máy trong khu công nghiệp.

Nhà máy xử lý nước thải Thành Nam cũng đã ký hợp đồng và đấu nối toàn bộ hệ thống thoát nước thải của khoảng 20 nhà máy trong Khu công nghiệp Khánh Phú với khu vực bể chứa của nhà máy để tiến hành xử lý. Trong tổng công suất thiết kế 45.000 m3/ngày đêm sau khi hoàn thành giai đoạn 2.

Ông Phạm Thành Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Thương mại Thành Nam cho biết, thời điểm mới đi vào hoạt động, nhà máy thường xử lý từ 9.000 - 10.000 m3/ngày đêm, nguồn nước thải chủ yếu từ một số công ty, nhà máy lớn như: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình, Công ty trách nhiệm hữu hạn May Nienhsing Ninh Bình...

Tuy nhiên, đến nay nhà máy xử lý nước thải Thành Nam chỉ hoạt động với công suất khoảng 5.000 m3/ngày đêm, chỉ bằng 1/3 công suất thiết kế, cá biệt có những thời điểm nhà máy chỉ hoạt động với 10% công suất thiết kế. Nguyên nhân do nhiều công ty, xí nghiệp trong khu công nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc có thời điểm không sản xuất.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài lý do khách quan nhiều thời điểm các công ty phải cắt giảm sản lượng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc giảm lượng nước thải từ các công ty, nhà máy trong Khu công nghiệp Khánh Phú còn liên quan đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số công ty, nhà máy được coi là khách hàng chính của Nhà máy xử lý nước thải Thành Nam.

Trong số đó, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình trong Khu công nghiệp Khánh Phú đăng ký lượng nước xử lý hàng nghìn m3/ngày đêm khi dự án được triển khai, nay giảm xuống khoảng 1.000 m3/ngày đêm.

Một số dự án có đặc thù sử dụng nước lớn đến nay vẫn chưa được triển khai, thay vào đó tại khu công nghiệp lại xây dựng nhiều nhà máy không sử dụng nhiều đến nước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc nhà máy xử lý nước thải thiếu "nguyên liệu" đầu vào.

Theo ông Lê Văn Đức, Trưởng phòng Hành chính, Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Thương mại Thành Nam, trước thực trạng nhà máy hoạt động dưới công suất thiết kế, nhà máy vẫn phải bố trí nhân lực đầy đủ trong việc vận hành hệ thống theo quy trình khép kín.

Tại nhà máy luôn duy trì 7 lao động, chia ca phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh. Do không hoạt động hết công suất thiết kế nên thời gian vừa qua, nhà máy xử lý nước thải Thành Nam phải bù lỗ kéo dài.

Việc một công trình xử lý nước thải hay chất thải không có nguồn đầu vào để xử lý đang lẽ là tín hiệu mừng, cho thấy môi trường sản xuất được đảm bảo. Tuy nhiên, trước thực tế ô nhiễm môi trường tại Khu công nghiệp Khánh Phú đã tồn tại nhiều năm. Việc một nhà máy xử lý nước thải phải hoạt động cầm chừng do thiếu nguồn nước thải đầu vào là điều không bình thường.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, đến nay UBND tỉnh Ninh Bình chưa nhận được báo cáo chính thức về việc Nhà máy xử lý nước thải Thành Nam hoạt động cầm chừng do thiếu nguồn nước thải đầu vào.

Dù vậy, UBND tỉnh Ninh Bình đã chủ động yêu cầu các ngành chức năng; trong đó, có Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình... tăng cường thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư tại Khu công nghiệp Khánh Phú.

Song song đó, hướng dẫn, giám sát đấu nối hệ thống thoát nước mưa, nước thải từ các cơ sở sản xuất vào hệ thống xử lý nước thải tập trung tại khu công nghiệp theo đúng quy định; chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, nghiêm cấm xả thải trực tiếp ra môi trường mà phải qua nhà máy xử lý nước thải./. 

>>Đề nghị thu hồi giấy phép hoạt động của nhiều công ty xả thải ra sông Mã

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục