Ninh Thuận phấn đấu vào nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chính quyền số

08:12' - 11/08/2022
BNEWS Để sớm hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trong giai đoạn tới, tỉnh Ninh Thuận đã đề ra nhiều giải pháp triển khai hiệu quả.

Trước mắt, UBND tỉnh Ninh Thuận phát động phong trào thi đua sâu rộng, đồng bộ, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở với nội dung cụ thể, hình thức phong phú, đa dạng và thiết thực, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như phương thức sống và làm việc của người dân.

 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, mục tiêu cũng như chỉ tiêu về chuyển đổi số, cụ thể là phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động được UBND tỉnh đề ra rất cụ thể, rõ ràng.

Theo đó, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế-xã hội của địa phương để phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh và huyện được tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Đồng thời, 100% cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ vào hệ thống quốc gia; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, phục vụ người dân và phát triển kinh tế-xã hội; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; tỷ lệ hài lòng của người dân đối với chính quyền số là 95%; phấn đấu đưa tỉnh thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về phát triển chính quyền số cấp tỉnh, thành phố.

Tỉnh cũng phấn đấu đưa kinh tế số phát triển và chiếm 20% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7% và 100% sản phẩm OCOP được tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử nội địa.

Đối với phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu 90% hộ gia đình và 100% địa bàn thôn có dân cư được bao phủ hạ tầng mạng băng rộng cáp quang; phổ cập rộng dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; đưa tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 50%; đồng thời xây dựng thành công nền tảng đô thị thông minh tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.

Để đạt mục tiêu đề ra, trước mắt tỉnh Ninh Thuận tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số theo từng ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, địa phương; chủ động rà soát, sửa đổi, xây dựng cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số, thúc đẩy chính quyền số, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế số, phát triển xã hội số.

Tỉnh cũng chủ động, tích cực bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công nghệ số, chuyển đổi số, tập trung đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao tham gia vào quá trình chuyển đổi số; ưu tiên đảm bảo nguồn lực để thực hiện các hoạt động chuyển đổi số của tỉnh.

Ninh Thuận tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, sẵn sàng thử nghiệm các giải pháp, công nghệ mới nhằm đáp ứng yêu cầu và thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số; đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ nhằm hình thành các mô hình kinh doanh, sản xuất sản phẩm, dịch vụ mới, từng bước ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là công nghệ chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... trong tổ chức quản lý, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tỉnh tích cực xây dựng và tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, truy cập, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường đảm bảo an ninh thông tin và an toàn dữ liệu, phòng chống hiệu quả các hoạt động phá hoại, thâm nhập hệ thống quản lý, điều hành chính quyền điện tử.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, ưu tiên hàng đầu của tỉnh là đẩy mạnh chuyển đổi số ở một số lĩnh vực như y tế; giáo dục; tài chính - ngân hàng; nông nghiệp; du lịch; giao thông vận tải và logistics; thương mại điện tử, năng lượng; tài nguyên và môi trường; công nghiệp; trong doanh nghiệp, dân cư… theo hướng số hóa, tự động hóa trong nền kinh tế tuần hoàn để mang lại hiệu quả thiết thực trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục