Ninh Thuận phát triển “lá chắn xanh” rừng phòng hộ ven biển

09:07' - 07/01/2022
BNEWS Tỉnh Ninh Thuận tập trung quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển để tạo “lá chắn xanh” ứng phó với biến đổi khí hậu, giữ gìn đa dạng sinh học; qua đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1662/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh để bảo vệ và phát triển diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng ven biển theo hướng bền vững.

 

Theo đó, tỉnh Ninh Thuận tăng cường quản lý, bảo vệ diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên vùng ven biển với diện tích giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng khoảng 6.500 ha.

Tỉnh trồng mới 200 ha rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay trên đất cát, đồi núi đá ven biển kết hợp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng phòng hộ 1.500 ha, nâng cấp 420 ha rừng trồng phòng hộ có mật độ thấp.

Ngoài ra, tỉnh trồng thêm một triệu cây phân tán để góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng, chống sa mạc hóa và sạt lở vùng ven biển; kết hợp xây dựng các mô hình phát triển sinh kế cho người dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền, Ninh Thuận tập trung khôi phục hệ sinh thái rừng ven biển để bảo tồn đa dạng sinh học, chống sa mạc hóa, suy thoái đất, nâng tỷ lệ che phủ rừng nhằm góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Việc phát triển rừng phòng hộ ven biển cũng nhằm đáp ứng các mục đích phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.

UBND tỉnh Ninh Thuận đề ra các nhiệm vụ và giải pháp triển khai thực hiện như: Tăng cường tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, đất quy hoạch cho lâm nghiệp; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản và các hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý, bảo vệ rừng.

Các đơn vị chức năng tổ chức giám sát và kiểm soát chặt chẽ các dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng. Cùng với đó, Ninh Thuận xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm huy động đa dạng các nguồn lực từ các chương trình, dự án hỗ trợ, đầu tư cho phát triển lâm nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững ở các vùng ven biển đặc biệt khó khăn.

Tỉnh khuyến khích các hình thức liên kết với hộ dân để phát triển rừng ven biển, kết hợp xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, nông – lâm kết hợp du lịch sinh thái; triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển.

Để phát triển diện tích rừng phòng hộ ven biển, Ninh Thuận đặc biệt chú trọng áp dụng các giải pháp khoa học – kỹ thuật để thực hiện trồng rừng, chăm sóc rừng trồng, nâng cấp rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung cây lâm nghiệp phù hợp với điều kiện nắng nóng kéo dài, đất đai khô cằn, nghèo dinh dưỡng.

Tỉnh nghiên cứu lựa chọn và thử nghiệm các loài cây bản địa có khả năng chống chịu tốt với thời tiết khô hạn, không bị gia súc cắn phá để đưa vào trồng rừng, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp các ban, ngành, địa phương ven biển triển khai nhân rộng mô hình giao khoán bảo vệ rừng, trồng rừng gắn với phát triển sinh kế nhằm từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân sống ven rừng.

Các đơn vị chủ rừng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị của rừng vùng ven biển.

Những năm qua, việc trồng rừng phòng hộ ven biển được các Ban Quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chú trọng triển khai thực hiện.

 

Ninh Thuận hiện có trên 196.828 ha rừng và đất lâm nghiệp phát triển rừng, trong đó diện tích rừng và đất rừng phòng hộ trên 125.969 ha; rừng và đất rừng đặc dụng trên 41.626 ha, rừng và đất rừng sản xuất hơn 29.232 ha.

Trong năm 2021, Ninh Thuận trồng mới được trên 547 ha rừng, trong đó trồng mới hơn 505 ha rừng phòng hộ; kết hợp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng với diện tích trên 3.737 ha và giao khoán bảo vệ rừng trên 66.523 ha. Nhờ đó, chất lượng rừng được cải thiện, nhiều diện tích rừng nghèo kiệt được phục hồi, tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 47%./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục