Ninh Thuận tăng tốc phát triển kinh tế trong quý II/2023

15:23' - 04/04/2023
BNEWS Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2023 đã đề ra, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, phấn đấu trong quý II đạt tăng trưởng trên 10%.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố quán triệt phương châm hành động năm 2023, đó là "Đoàn kết, kỷ cương, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả"; đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm và tính kỷ luật cao, nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành để sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

 

Trong số đó tập trung vào những lĩnh vực còn dư địa, còn khả năng, còn tiềm năng, còn cơ hội… để lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phát triển như công nghiệp chế biến, chế tạo; nông lâm nghiệp; thương mại và dịch vụ…

Cụ thể, đối với ngành nông, lâm, nghiệp và thủy sản, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố phải tập trung khơi thông và giải quyết một số điểm nghẽn như nghiên cứu mở rộng diện tích sản xuất; tập trung tháo gỡ vướng mắc trong nuôi biển; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nông nghiệp, kiên quyết xử lý thu hồi đối với các dự án chậm triển khai, không khả thi để kêu gọi các dự án mới khả thi, hiệu quả đến đầu tư.

Bên cạnh đó, chú trọng triển khai các giải pháp khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2023. Đồng thời sớm hoàn thành, phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu vùng sản xuất tôm giống công nghệ cao An Hải - Sơn Hải.

Ông Trần Quốc Nam chia sẻ, đối với ngành được xem là trụ cột, mang tính đột phá như công nghiệp - xây dựng, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành; đồng thời tiếp tục làm việc cụ thể với một số nhà đầu tư, một số dự án, một số công ty để tìm hiểu, lắng nghe chia sẻ, động viên, đồng hành hỗ trợ giải quyết khó khăn, nhất là các lĩnh vực quan trọng, sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn như sản xuất bia; chế biến thủy sản; vật liệu xây dựng, đá, xi măng...; tiếp tục tăng cường thu hút các nhà đầu tư vào các ngành có lợi thế, còn dư địa phát triển…

Song song với đó, UBND tỉnh cũng sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án động lực và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khẩn trương hoàn tất thủ tục đấu thầu để khởi công dự án điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1-1.500 MW; khu công nghiệp Cà Ná; đẩy nhanh tiến độ Bến 1B - Cảng tổng hợp Cà Ná và thủy điện tích năng Bác Ái.

Ngoài ra, UBND tỉnh cố gắng hoàn thiện hoàn thiện hạ tầng và nâng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp như khu công nghiệp Du long; Phước Nam và cụm công nghiệp Quảng Sơn; đồng thời hoàn thành đầu tư mở rộng khu công nghiệp Thành Hải với diện tích 20 ha; đẩy nhanh tiến độ đầu tư cụm công nghiệp Hiếu Thiện và khẩn trương hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà đầu tư cụm công nghiệp Phước Minh 1 và Phước Minh 2 tại huyện Thuận Nam.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết, mặc dù trong quý I/2023 bối cảnh thực hiện nhiệm vụ có nhiều thuận lợi, nhưng khó khăn, thách thức cũng không ít.

Tuy nhiên, nhờ linh hoạt trong triển khai thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, sự quyết tâm chính trị cao trong chỉ đạo, điều hành sáng tạo, hiệu quả, sát tình hình, có trọng tâm, trọng điểm của UBND tỉnh nên tình hình kinh tế quý I của tỉnh duy trì ổn định và có nhiều chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể GRDP tăng 7,67% (quý I/2022 tăng 4,16%).

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Hương, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Ninh Thuận, nếu so với cùng kỳ 2022 thì kinh tế của tỉnh trong quý I/2023 có nhiều khởi sắc, các lĩnh vực đều có tăng trưởng.

Một số ngành, lĩnh vực thương mại, du lịch, công nghiệp khai khoáng tiếp tục phục hồi và tăng trưởng cao; sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định có sự tăng trưởng, sản xuất tôm giống tiếp tục phát huy lợi thế và tăng khá. Qua thống kê, Ninh Thuận xếp thứ hạng 16/63 tỉnh, thành; xếp thứ hạng 5/14 tỉnh, thành vùng Duyên hải miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận).

Mặc dù kinh tế có những bước tiến, song vẫn còn đó một số khó khăn, hạn chế nhất định, đó là tốc độ tăng trưởng thấp so với kế hoạch, chưa có năng lực mới tăng thêm, lĩnh vực năng lượng tăng trưởng thấp; sản lượng khai thác thủy sản giảm do ngư trường không thuận lợi; công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất khẩu thủy sản còn khó khăn; tiến độ giải ngân còn thấp; thu ngân sách còn khó khăn, giảm so với cùng kỳ; kế hoạch sử dụng đất, giá đất, các đồ án quy hoạch phân khu chậm ban hành; tình trạng khai thác khoáng sản, xây dựng trái phép chưa được xử lý triệt để; hoạt động doanh nghiệp còn khó khăn…

Để kinh tế của tỉnh khởi sắc và phát triển mạnh trong quý II, Ninh Thuận cần thực hiện quyết liệt các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc phát sinh để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư và đầu tư một cách có trọng tâm, trọng điểm; qua đó để tạo động lực thức đẩy cho cả năm 2023./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục