Nỗi lo sau “cú sốc” của thị trường chứng khoán Trung Quốc

21:59' - 03/02/2020
BNEWS Chỉ vài tuần trước đợt nghỉ Tết Nguyên đán, tâm lý lạc quan tràn ngập khu trung tâm tài chính Thượng Hải của Trung Quốc.

Cuộc họp cổ đông Trung Quốc thường niên của tập đoàn tài chính UBS Group AG đã ghi nhận số người tham dự kỷ lục. Các nhà đầu tư từ nước ngoài đã nhiệt tình mua cổ phiếu tại thị trường này - đến mức một số người đã chạm ngưỡng giới hạn sở hữu nước ngoài.

Nhưng tình hình hiện tại đã đảo ngược hoàn toàn, khi những thông tin về dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona đã “phủ bóng” lên thị trường tài chính toàn cầu lẫn Trung Quốc.

“Cú sốc” trong phiên giao dịch đầu năm mới

Chỉ số Shanghai Composite tại thị trường Thượng Hải đã giảm tới 8,7% trong phiên sáng ngày 3/2 - ngày giao dịch đầu tiên kể từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài của nước này. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tại thị trường chứng khoán Trung Quốc hồi năm 2015.

Trong vài phút, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã bơm ròng lượng thanh khoản trị giá 150 tỷ nhân dân tệ (21 tỷ USD) – mức bơm thanh khoản lớn nhất trong một ngày kể từ năm 2004 tới nay. Đồng thời, ngân hàng này đã hạ lãi suất đối với các hợp đồng mua lại đảo ngược (repo) khoảng 10 điểm cơ bản.

Thoạt nhìn, đây là những dấu hiệu đáng khích lệ, đặc biệt là khi xuất phát từ một ngân hàng trung ương không muốn cắt giảm lãi suất ngay cả khi cuộc chiến thương mại gây nhiều thiệt hại với Mỹ kéo dài. Nó gợi nhắc việc Trung Quốc đã rót 4.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 570 tỷ USD theo thời giá hiện tại) vào nền kinh tế sau sự sụp đổ của ngân hàng Mỹ Lehman Brothers Holdings Inc. hồi năm 2008.

Nhưng bất kỳ sự khởi sắc nào cho tâm lý cho tâm lý nhà đầu tư từ động thái cắt giảm lãi suất đối với các hợp đồng mua lại đảo ngược của PBoC trong hôm thứ Hai (3/2) đã không thể kéo dài. Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/2, chỉ số Shanghai Composite đã để mất 7,72%  (229,92 điểm) xuống đóng phiên ở mức 2.746,61 điểm.

Theo giới quan sát, điều này là vì để thị trường tài chính ổn định, các nhà đầu tư cần được thấy rằng những nhà máy và doanh nghiệp Trung Quốc có thể mở cửa trở lại trong tương lai gần.

Có thể so sánh diễn biến này với giai đoạn chiến tranh thương mại với  Mỹ vốn đã “nhấn chìm” thị trường chứng khoán Trung Quốc vào khu vực trong năm 2018. Trong khi những tranh chấp giữa Bắc Kinh và Washington cản trở khả năng bán hàng của Trung Quốc, dịch bệnh này thậm chí đang ngăn chặn mọi hoạt động sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cho đến nay, 2/3 hoạt động của nền kinh tế này vẫn tạm ngừng vì dịch bệnh.

Kiểm soát dịch bệnh – cách duy nhất để ổn định thị trường?

Giới quan sát cho biết để thị trường có thể ổn định, các nhà đầu tư cần thấy rằng Chính phủ Trung Quốc trước hết có thể kiểm soát dịch bệnh ở tỉnh Hồ Bắc, nơi có thành phố Vũ Hán là "tâm điểm" của dịch bệnh.

Nhà chức trách Trung Quốc ngày 3/2 công bố đã nhận được báo cáo 2.829 ca nhiễm mới và 57 ca tử vong trong ngày 2/2. Số ca nhiễm ở Trung Quốc đại lục đã lên tới 17.205 người. Đã có 361 ca tử vong tại Trung Quốc và 1 trường hợp tại Philippines.

Chừng nào dịch bệnh chưa được ngăn chặn ở tỉnh Hồ Bắc, những tỉnh khác sẽ không dám mở cửa kinh doanh. Các doanh nghiệp tư nhân cũng không sẵn sàng mạo hiểm. China Evergrande Group, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất của đất nước, cho biết 1.200 dự án bất động sản và hơn 1.000 văn phòng bán hàng của họ sẽ đóng cửa cho đến ngày 20/2. Công ty cho biết thời điểm nối lại hoạt động sẽ còn phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh ra sao.

Một số người nói rằng Bắc Kinh vẫn có đủ chính sách để ổn định thị trường và tình hình rồi sẽ lạc quan hơn. Trong một bài đăng mới đây trên tờ Financial News của PBoC, ngân hàng trung ương này cho biết tác động từ dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona đối với nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị hạn chế và mang tính chất tạm thời. Những điều kiện kinh tế cơ bản của Trung Quốc sẽ không bị dịch bệnh tác động.

PBoC cũng khẳng định thị trường tài chính của nước này sẽ trở lại bình thường trong thời gian tới. PBoC cũng cho hay sự lao dốc của thị trường chứng khoán trong phiên ngày 3/2 chủ yếu vì hoạt động bán tháo của nhà đầu tư chịu ảnh hưởng của “tâm lý đám đông”.

Một bài báo trên tờ Nhân dân Nhật báo mới đây cũng cho biết dù Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức có thể cản trở sự phát triển kinh tế của nước này trong ngắn hạn, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ và không bị suy giảm nghiêm trọng. Ngay cả trong ngắn hạn, dịch bệnh không hoàn toàn gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Chính phủ Trung Quốc tin tưởng vào năng lực tài chính mạnh mẽ trong quản lý khủng hoảng. Tính đến ngày 29/1, tổng cộng 27,3 tỷ NDT (gần 4 tỷ USD) đã được chính quyền các cấp cung cấp để kiểm soát dịch bệnh. Nhiều biện pháp chính sách sẽ được thông qua khi dịch bệnh tiếp diễn.

Song giới phân tích cũng chỉ ra rằng tuy việc hạ thấp tỷ giá trên thị trường tiền tệ chỉ có thể tạm thời làm giảm giá cổ phiếu và những hợp đồng hàng hóa giao kỳ hạn, song chúng sẽ không giải quyết được vấn đề kinh tế về lâu dài nếu các doanh nghiệp vẫn chưa mở cửa trở lại./.

>> Chứng khoán ngày 3/2: Thị trường thu hẹp đà giảm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục