Nỗi lo thắt chặt tín dụng của Fed đang dần trở thành sự thật

19:04' - 11/04/2023
BNEWS Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang đối mặt với chướng ngại vật lớn đầu tiên khi quyết định nâng lãi suất của ngân hàng này đang khiến tín dụng sụt giảm.
Sau một năm thực hiện một trong những chu kỳ nâng lãi suất mạnh mẽ nhất trong hàng chục năm qua để hạn chế áp lực giá cả, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang đối mặt với chướng ngại vật lớn đầu tiên khi quyết định nâng lãi suất của ngân hàng này đang khiến tín dụng sụt giảm.

Vì chính sách tiền tệ thắt chặt hơn đã nâng lãi suất liên ngân hàng tăng lên, nên nó khiến các khoản vay tiêu dùng và và kinh doanh có lãi suất cao hơn và khó tiếp cận hơn. Về lý thuyết, điều này sẽ làm giảm nhu cầu đối với các hàng hóa và dịch vụ được mua bằng tín dụng, qua đó làm giảm lạm phát.

 
Tổng tín dụng ngân hàng đã chững lại ở mức khoảng 17.500 tỷ USD kể từ tháng Một. Đà tăng trưởng tín dụng theo năm đang chậm lại đáng kể. Và quyết định lãi suất tiếp theo của Fed vào tháng Năm hiện đang phụ thuộc vào việc các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng này xem đây chỉ là tác động bình thường của chính sách tiền tệ hay là một điều gì đó nghiêm trọng hơn.

Lạm phát vẫn cao gấp hơn hai lần mức mục tiêu 2% của Fed, và hiện các nhà hoạch định chính sách dường như đang đồng tình rằng Fed chắc chắn sẽ nâng lãi suất thêm lần nữa tại cuộc họp tháng Năm. Nhưng khả năng xảy ra tình trạng thiếu hụt tín dụng nghiêm trọng hơn dự đoán ngày càng tăng lên sau sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank hồi tháng trước.

Kịch bản tồi tệ nhất đã không xảy ra, khi các biện pháp khẩn cấp của Fed và Bộ Tài chính Mỹ đã bảo vệ người gửi tiền ở cả hai ngân hàng này, qua đó ngăn chặn làn sóng rút tiền ồ ạt tại các ngân hàng từ nhỏ đến lớn. Fed còn thực hiện nhiều biện pháp khác để vực dậy niềm tin vào hệ thống ngân hàng.

Nhưng tình hình cũng đang đáng báo động khi một năm tăng lãi suất đã gây nhiều áp lực lên các ngân hàng nhỏ, vì thay vì gửi tiền vào ngân hàng, người dân lại mua trái phiếu chính phủ hay cho vào các quỹ thị trường tiền tệ vốn có lãi suất cao hơn.

Hậu quả của điều này gồm tín dụng sụt giảm, tiêu chuẩn tín dụng thắt chặt hơn và lãi suất cho vay cao hơn đang xảy ra.

Kết quả khảo sát của Fed về tình hình tín dụng trong quý cuối cùng của năm 2022 cho thấy khoảng 45% các ngân hàng đang nâng cao các tiêu chuẩn đối với các khoản vay thương mại và công nghiệp. Liên tục tăng mạnh trong ba cuộc khảo sát gần đây nhất, tỷ lệ trên đã gần các mức thường được ghi nhận trong các cuộc suy thoái. Nhiều tiêu chuẩn đối với các khoản vay tiêu dùng cũng trở nên khắt khe hơn.

Bên cạnh đó, một khảo sát của tổ chức Conference of State Bank Supervisors cho thấy tâm lý của lãnh đạo các ngân hàng cộng đồng đang ở mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu có khảo sát này vào năm 2019. Gần như tất cả 330 người tham gia khảo sát, khoảng 94% cho rằng kinh tế đã bắt đầu suy thoái.

Một khảo sát của Fed chi nhánh Dallas, được thực hiện vào cuối tháng Ba sau hai vụ phá sản ngân hàng tại Mỹ, cho thấy tiêu chuẩn cho vay ở đây đang thắt chặt hơn, và nhu cầu vay đang giảm xuống. Ông Peter Williams, Giám đốc chiến lược chính sách toàn cầu của công ty nghiên cứu ISI Evercore, cho rằng chưa thể đánh giá tác động của việc này đối với lạm phát và tiêu dùng, cũng như đầu tư kinh doanh.

Tình hình tín dụng thắt chặt hơn đang tác động đến nền kinh tế vốn đã giảm tốc, với nhiều lĩnh vực chủ chốt bị áp lực. Một nghiên cứu mới đây của ngân hàng Bank of America cho thấy biên lợi nhuận của các doanh nghiệp nhỏ đang giảm xuống. Vì các doanh nghiệp này phụ thuộc nhiều vào các khoản vay ngân hàng, hạn mức tín dụng và thẻ tín dụng, nên các điều kiện cho vay thắt chặt hơn có thể ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến nhóm đối tượng này, vốn là một nguồn tạo việc làm quan trọng cho kinh tế Mỹ.

Ông Matthew Luzzetti, chuyên gia kinh tế trưởng tại Mỹ của Deutsche Bank, gần đây ước tính nếu khảo sát tiếp theo của Fed về tình hình tín dụng cho thấy tỷ lệ các ngân hàng thắt chặt tín dụng tăng thêm 10 điểm phần trăm, điều này có thể khiến tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ giảm 0,5 điểm phần trăm, đủ để đẩy nền kinh tế này rơi vào tình trạng suy thoái./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục