Nới rộng tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược ở Vinafood 2

18:37' - 05/02/2018
BNEWS Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có quyết định phê duyệt tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược khi cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam.

Theo thông tin từ Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có quyết định phê duyệt tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược khi cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam.

Đáng chú ý, phương án này có phần nới rộng các tiêu chí hơn so với phương án mà phía Vinafood 2 đã đề xuất trước đó.

Cụ thể, ngoài các tiêu chí thông thường, nhà đầu tư chiến lược chỉ cần có vốn điều lệ tối thiểu là 2.500 tỷ đồng đối với doanh nghiệp trong nước hoặc tương đương 2.500 tỷ đồng đối với doanh nghiệp nước ngoài vào năm 2016.

Đồng thời, có lợi nhuận sau thuế trong 3 năm liên tiếp trong giai đoạn 2014-2016, không có lỗ lũy kế đến thời điểm 31/12/2016.

Trong khi đó, theo bộ tiêu chí mà Vinafood 2 đã đề xuất trước đó thì nhà đầu tư chiến lược phải có tổng tài sản tối thiểu 10.000 tỷ đồng theo báo cáo tài chính có kiểm toán tại thời điểm 31/12/2015; vốn điều lệ tối thiểu đạt 3.500 tỷ đồng.

Kèm theo đó, nhà đầu tư phải có lợi nhuận sau thuế trong 3 năm liên tiếp và có tỷ suất lợi nhuận sau thuế ≥5% và tỷ lệ lợi nhuận ≥1% trong 3 năm liền kề trước đó; kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh không có lỗ lũy kế đến thời điểm 31/12/2015.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, quyền Tổng Giám đốc Vinafood 2 cho biết, với việc giảm vốn điều lệ và bỏ tiêu chí “tổng tài sản tối thiểu”, “tỷ suất lợi nhuận tối thiểu” thì phương án mới sẽ mở rộng thêm điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia.

Tuy nhiên, phương án này cũng loại trừ những nhà đầu tư có quy mô quá nhỏ, không phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo ông Nam, lương thực và thủy sản tiếp tục sẽ là hai lĩnh vực kinh doanh, sản xuất chính của Vinafood 2 sau cổ phần hóa.

Hiện Tổng công ty đang khôi phục lại sản xuất thủy sản trên những cơ sở hạ tầng hiện có ở Tiền Giang, Trà Vinh và Đồng Tháp.

Riêng về lĩnh vực lương thực, Vinafood 2 vẫn là một trong số ít doanh nghiệp hiện nay có quy mô sản xuất lớn, có thể đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường.

Trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tập trung sản xuất gạo thơm, đảm bảo an toàn thực phẩm và thúc đẩy liên kết sản xuất để xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao, có thể xâm nhập vào các thị trường khó tính nhất.

Liên quan đến vấn đề công nợ trước đó, đại diện Vinafood 2 cho biết, hiện cơ quan điều tra vẫn đang tiến hành xét xử các vụ án liên quan, tuy nhiên những vấn đề này đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty.

Dự kiến, ngày 14/3, Vinafood 2 sẽ tiến hành IPO lần đầu ra công chúng.

Trước đó, ngày 29/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam theo hình thức bán bớt phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp.

Vốn điều lệ của Vinafood 2 sau cổ phần hóa dự kiến là 5.000 tỷ đồng, tương đương 500 triệu cổ phần; trong đó Nhà nước sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ; nhà đầu tư chiến lược chiếm 25%; nhà đầu tư thông thường chiếm 22,97%.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục