Nông dân chuyên nghiệp từ sản xuất đến làm du lịch

10:00' - 02/02/2025
BNEWS Du lịch nông thôn không chỉ về tạo hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp hay người nông dân, mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, tạo ra ích lợi cộng đồng địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số.
Người nông dân thường chỉ quen với gieo trồng, chăm sóc cây, thu hái… thì nay, ở nhiều nơi, họ vừa sản xuất, vừa bán hàng và còn biết cách tạo cảnh quan, làm hướng dẫn viên, tạo các sản phẩm dịch vụ để tiếp đón du khách.

Ông Nguyễn Văn Đầy, ấp Long Hưng 1, Long Hậu, Lai Vung, Đồng Tháp, chủ nhà vườn và điểm tham quan vườn quýt hồng Lan Anh được coi là người đi đầu của huyện Lai Vung trong phát triển mô hình du lịch sinh thái. Lúc đầu, ông làm tự phát, chỉ biết đón khách và để khách tự trải nghiệm. Khi khách đến, ông không biết giới thiệu thế nào về vẻ đẹp của quýt hồng hay để khách hiểu về cách trồng và chăm sóc vườn. Ông Đầy cũng như một số hộ, mỗi người một cách làm. 

Lại đi đầu trong mô hình này, nên ông Đầy phải tự rút kinh nghiệm qua từng năm. Khi thu được chút lợi nhuận từ đón khách, ông từng bước đầu tư vào vườn, cơ sở hạ tầng. Rất may cho ông, sau 3 năm làm, ông được huyện Lai Vung cử đi học, đào tạo, tập huấn về cách làm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm cộng đồng. Từ đó, mô hình của ông Đầy mới từng bước đi vào quy củ. Lượng khách đến nhiều hơn, cũng như cách làm việc, tiếp khách của gia đình ông cũng chuyên nghiệp hơn. 

Sau 9 năm phát triển mô hình này, ông Đầy đã có lượng khách khá tốt. Các tour tuyến ở Thành phố Hồ Chí Minh hay các tỉnh thành lân cận thường đặt trước và có sự kết nối với các điểm du lịch khác tạo nhiều trải nghiệm hơn cho du khách.

Trước đây, ông Đầy cũng chỉ mở dịch vụ thăm vườn cây quýt hồng. Được sự hỗ trợ của tỉnh, ông được Nhà nước hỗ trợ 250 triệu đồng đề đầu tư, sửa chữa khu chế biến, nhà chờ nghỉ ngơi, ăn uống. Các dịch vụ đi theo đã giúp ông thêm phần chuyên nghiệp và tăng thu nhập.

 
Nhưng mỗi năm một mùa quýt hồng, ông chỉ thu hút khách du lịch được khoảng 2 tháng cuối năm. Như vậy, cùng việc đầu tư lớn cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đón du khách, ông Đầy mong muốn mở rộng sang các loại trái cây khác như roi (mận), dâu… để có thể đón du khách mỗi mùa trái cây và gần như quanh năm, việc đầu tư theo đó cũng sẽ hiệu quả hơn.

“Gia đình mong muốn được mở rộng mô hình để trở thành khu du lịch sinh thái, chứ không chỉ là điểm du lịch như hiện nay. Như thế, tôi sẽ phải có quy hoạch, kế hoạch đầu tư và mong muốn hỗ trợ của nhà nước”, ông Đầy chia sẻ. 

Tại Hà Nội, không chỉ sản xuất rau củ cung cấp ra thị trường như trước đây, Hợp tác xã Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (Gia Lâm) cũng đã xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm.

Các hộ tham gia mô hình được tập huấn quy trình sản xuất rau VietGAP, được hỗ trợ hạt giống thuốc bảo vệ thực vật và phân bón theo quy định. Tạo thêm không gian tham quan cho du khách, Hợp tác xã làm thêm nhà lưới trồng rau, ứng dụng công nghệ Israel và đặc biệt là nhà trưng bày các loại nông cụ cổ truyền như: cày, bừa, liềm, quang, sọt, thúng, nia, nong, dần, sàng, rổ, rá, cối xay, cối giã gạo… để tăng sự trải nghiệm của du khách với nông nghiệp xưa và nay.

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức cho biết, từ lâu, hợp tác xã đã có ý tưởng gắn các vùng sản xuất rau xanh trong xã với du lịch nông nghiệp trải nghiệm nhưng chưa biết bắt đầu làm từ đâu. 

Năm 2024, được Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn triển khai thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm và phát triển khuyến nông đô thị, Hợp tác xã quyết định đầu tư làm thêm nhà lưới, nhà trưng bày nông cụ. Mô hình đã thu hút nhân dân trong vùng, nhất là các thanh, thiếu niên sống trên địa bàn Hà Nội tới tham quan, thực hành trồng, chăm sóc các loại rau để nâng cao hiểu biết về quá trình phát triển của nền nông nghiệp nước nhà.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, du lịch nông thôn không chỉ về tạo hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp hay người nông dân, mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, tạo ra ích lợi cộng đồng địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số. Du lịch nông thôn là cầu nối giao thoa giữa đô thị - làng quê. Việc tiếp đón du khách từ đô thị về các vùng quê là sự trao đổi năng lượng, làm phong phú, sôi động thêm đời sống nông thôn.

Tuy nhiên, các mô hình dịch vụ còn manh mún, nhỏ lẻ; cấu trúc tự phát, năng lực chưa đồng đều, thiếu sự kết nối. Để vượt qua những thách thức này, các ngành, địa phương cần kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, tạo ra những giải pháp toàn diện hơn, giúp ngành du lịch nông nghiệp phát triển bền vững. Để mỗi du khách không chỉ đến nông thôn trải nghiệm không gian đẹp, mà còn là thấu hiểu nhịp sống của làng quê.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, thành công của du lịch nông thôn nằm ở khả năng kết nối cộng đồng, biến ngôi làng, mảnh vườn thành tài nguyên để du khách trải nghiệm và bổ sung kiến thức về đời sống nông dân. Người dân cần xác định mục tiêu từ nhu cầu của du khách, đó là được trải nghiệm không gian văn hóa làng quê. Bởi vậy, họ cần phải chăm sóc để giữ được tinh thần của một làng quê. Không gian đó phải được xây dựng rộng lớn, kết nối với nhau, tạo điểm đến để du khách có thể trải nghiệm trọn vẹn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục