Nông dân Đà Nẵng khắc phục hậu quả môi trường, khôi phục trồng trọt sau lụt bão

17:33' - 29/11/2020
BNEWS Những ngày cuối tháng 11, trên các thửa ruộng đã được cày xới gọn gàng, những người nông dân đang tấp nập cùng nhau gieo trồng những luống rau mới. Sau lụt lội, đất sẽ màu mỡ và tơi xốp hơn.

Những ngày thời tiết thuận lợi gần đây, nhiều nông dân tại huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) đang khẩn trương khắc phục hậu quả, gieo trồng những vụ rau mới để kịp thu hoạch trước Tết, bù đắp cho những thiệt hại về kinh tế của đợt lụt bão lịch sử vừa qua.

Những ngày này, tại Hợp tác xã dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (thôn Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) vẫn còn dấu vết thiệt hại của những trận “siêu bão” đổ bộ vào Đà Nẵng trong tháng 10, 11.

Một số biển bảng bị gãy đổ, một số nhà màn, nhà lưới bay tả tơi. Nhưng trên những ruộng rau, không khí làm việc đang diễn ra rất khẩn trương.

Người cuốc, người vun, người trồng, những thửa đất đang dần được thay bằng màu xanh của mầm rau mới.

Vợ chồng ông Lâm Văn Thái được Hợp tác xã rau Túy Loan giao canh tác trên mảnh đất rộng 3 sào. Những ngày này, gia đình ông đang tất bật sửa lại bộ khung giàn, cuốc đất, gieo giống rau cải.

Ông Thái cho biết, “Đợt lụt năm nay cao nhất trong những năm gần đây, có tới 3, 4 đợt lụt liên tục, nước sâu hơn 1 mét, khiến cho toàn bộ cây, rau trong vườn bị ngập úng, chết hết. Tôi đang trồng lại giàn bí cho vụ Đông – Xuân và gieo các giống rau ngắn ngày để có thêm thu nhập, bù trừ cho số rau đã bị thiệt hại. Khoảng nửa tháng nữa thì sẽ có rau để Hợp tác xã thu mua, đáp ứng được phần nào nhu cầu của thị trường. Giá cả các loại rau tùy theo thị trường, một tá (12 bó) có giá khoảng 60 đến 70 ngàn đồng, riêng rau muống thì đắt hơn, khoảng 100 đến 120 ngàn đồng/12 bó.”

Còn anh Trần Thành, một xã viên khác của Hợp tác xã rau Túy Loan đang cấy những cây cải mầm trên mảnh đất đã được vun xới cẩn thận.

Nhẩm tính từ nay đến Tết âm lịch còn được khoảng 3 tháng, anh Thành đang khẩn trương gieo trồng để kịp phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Anh Thành than thở: “Tháng vừa rồi lụt quá nên cả đợt rau đều chết hết. Vùng này bình thướng ít bị ngập lụt, do nền đất cao hơn các vùng trồng lúa, vậy mà năm nay bị ngập nặng, bà con trở tay không kịp. Hiện, giờ đất đã cơ bản khô nên có thể sản xuất trở lại, nhiều vùng khác thấp hơn vẫn chưa làm được. Sau lũ lụt, được chính quyền hỗ trợ phân bón, vôi, giống nên tôi tranh thủ sản xuất để kiếm lại vốn.”

Theo anh Thành, hiện nay do khan hiếm nên giá rau có tăng, nhưng bà con chưa sản xuất được nhiều nên vẫn chưa có lợi nhuận đáng kể.

Sau khoảng 1 tháng nữa thì Hợp tác xã rau Túy Loan có thể cung cấp ra thị trường nhiều loại rau như: bí, cải, xà lách, rau dền, mùng tơi, khoai lang, bí, khổ qua, mướp... đến Tết nguyên đán thị trường rau sẽ ổn định, nguồn cung cấp đầy đủ.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Hòa Vang, bão kèm mưa lụt vừa qua đã gây thiệt hại hơn 129,5 ha diện tích rau và hoa màu trên địa bàn huyện.

Theo bà Ngô Thị Hạnh, Phó phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, huyện đã gấp rút triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả lụt bão, khẩn trương triển khai vụ Đông – Xuân.

Cụ thể, huyện Hòa Vang đã tập trung toàn lực khắc phục các đoạn kênh mương tưới tiêu bị sạt lở, ruộng vườn bị bồi lấp, đường sá bị chia cắt.

Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cũng thống kê thiệt hại, kịp thời hỗ trợ chênh lệch giá thóc ăn và giá thóc giống theo chính sách, hỗ trợ gần 200 kg hạt giống các loại, hỗ trợ phân bón, vôi cho các vùng rau chuyên canh, vùng trồng hoa Tết...

“Khoảng thời gian này thời tiết đang thuận lợi, chúng tôi đã hướng dẫn, định hướng cho bà con trồng các loại rau, hoa ngắn ngày phục vụ Tết. Lãnh đạo huyện cũng đã làm việc với các doanh nghiệp thu mua nông, lâm sản lớn trong địa bàn để chủ động hỗ trợ thu mua cho người dân, tránh tình trạng ép giá. Bên cạnh đó, chúng tôi đang khẩn trương rà soát, thống kê cụ thể số lượng thiệt hại tại các xã để tiến hành hỗ trợ người nông dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Mục tiêu giúp người dân có thể triển khai xuống giống nhanh nhất, sản xuất hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế, sớm khôi phục những thiệt hại do thiên tai gây ra.”, bà Ngô Thị Hạnh cho biết.

Những ngày cuối tháng 11, trên các thửa ruộng đã được cày xới gọn gàng, những người nông dân đang tấp nập cùng nhau gieo trồng những luống rau mới. Sau lụt lội, đất sẽ màu mỡ và tơi xốp hơn.

Còn sau một năm đầy khó khăn với dịch bệnh COVID-19, thiên tai liên tiếp, người nông dân Đà Nẵng lại hy vọng vào một vụ mùa mới thuận lợi hơn, thành công hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục