Nông dân EU yêu cầu các nước kiểm soát tốt nông sản Ukraine

15:42' - 16/02/2024
BNEWS Ngày 15/2, Hiệp hội Nông dân châu Âu (Copa-Cogeca) cùng 5 tổ chức đại diện cho các lĩnh vực đã lên tiếng phản đối các đề xuất kiểm soát nhập khẩu nông sản Ukraine.

Các tổ chức này cho rằng như vậy là chưa đủ và cảnh báo tiếp tục biểu tình nếu Liên minh châu Âu (EU) không áp đặt các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn.

Cuối tháng 1/2024, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất gia hạn miễn thuế 1 năm, bắt đầu từ tháng 6/2024, đối với nông sản nhập khẩu từ Ukraine. Quy định này vốn đang được áp dụng từ năm 2022 sau khi bùng phát xung đột tại Ukraine.

 

Gần đây, EU đề xuất nhiều biện pháp bảo vệ ngành nông nghiệp của khối, có thể áp dụng trong trường hợp "đặc biệt cần thiết" như giới hạn việc nhập khẩu miễn thuế các mặt hàng như thịt gia cầm, trứng và đường ở mức trung bình của năm 2022-2023.

Đề xuất này đang được các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu (EP) xem xét. Tuy nhiên, Copa-Cogeca bác bỏ và cho rằng các đề xuất này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến của những ngành gia cầm, trứng, đường, ngũ cốc và mật ong của khối.

Trong tuyên bố chung, nhóm đại diện nông dân EU cho rằng việc giới hạn nhập khẩu đối với 3 sản phẩm bằng với mức nhập của năm ngoái là chưa đủ, vì "giới hạn này chính là nguyên nhân đẩy các nhà sản xuất EU vào tình trạng khó khăn", trong khi EU không có kế hoạch hạn chế nào đối với ngũ cốc và mật ong. Họ cũng cho rằng các sản phẩm nhập khẩu từ Ukraine không phải đáp ứng những tiêu chuẩn môi trường và xã hội cao hơn của EU.

Tuyên bố chung nêu rõ: "Nông dân ở Romania, Bulgaria, Ba Lan, Hungary và Slovakia đang phải bán các sản phẩm của mình với giá thấp hơn khoảng 40% so với giá thị trường tiêu chuẩn và hàng nghìn trang trại đang đối mặt với nguy cơ phá sản". Các nhà sản xuất ngũ cốc, gia cầm và đường ở Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức và Áo cũng bắt đầu chịu “áp lực đáng kể”.

Từ tháng 1/2024 tới nay, người nông dân khắp châu Âu biểu tình liên tiếp, yêu cầu EU kiểm soát tốt hơn sự cạnh tranh thiếu công bằng của nông sản từ Ukraine.

Mới đây nhất, ngày 15/2, nông dân Hy Lạp tuyên bố sẽ tiếp tục chặn đường bằng máy kéo và tăng cường phản đối bằng cách tập trung về thủ đô Athens. Động thái này diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis gặp Liên đoàn các Hiệp hội Nông nghiệp nhằm giảm bớt căng thẳng.

Chính phủ Hy Lạp đã đề xuất giảm hóa đơn năng lượng cho nông dân trong 10 năm tới, cũng như cắt giảm thuế VAT đối với phân bón và thức ăn chăn nuôi từ 13% xuống còn 6%. Thủ tướng Mitsotakis cũng cam kết sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Tuy nhiên, điều đó không làm nông dân hài lòng.

Cùng ngày, khoảng 1.500 nông dân Italy đã tiến hành cuộc biểu tình mới ở Rome, trong khuôn khổ một chiến dịch rộng hơn nhằm phản đối các chính sách nông nghiệp của EU cũng như của Italy khiến chi phí tăng cao và thu nhập của nông dân giảm. Những nông dân tham gia biểu tình đã điều khiển máy kéo tập trung tại khu sân vận động cổ Circus Maximus mang tính biểu tượng, nơi trước kia là trường đua xe ngựa. Một số người biểu tình cũng tập trung gần văn phòng Palazzo Chigi của Thủ tướng Italy Giorgia Meloni.

Tuần trước, nông dân Italy cũng đã tổ chức một cuộc biểu tình tương tự, với việc điều khiển máy kéo đi qua Đấu trường La Mã Colosseum - một địa danh mang tính biểu tượng tại thủ đô Rome. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni ngày 9/2 đã gặp đại diện một số hộ nông dân, cam kết sẽ khôi phục chính sách giảm thuế có giới hạn mà Chính phủ đã đình chỉ trước đây nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình lan rộng hơn.

Nền kinh tế Ukraine có thể “trụ” thêm vài tháng tới cho đến khi nhận được viện trợ nước ngoài, nhưng năm 2024 chắc chắn sẽ khó khăn hơn năm nay, và Ukraine sẽ cần phải dựa nhiều hơn vào các nguồn lực của chính mình. Ukraine kỳ vọng sẽ bù đắp mức thâm hụt ngân sách 43 tỷ USD của năm tới chủ yếu bằng viện trợ tài chính nước ngoài, trong đó có 18,5 tỷ euro (khoảng 20,3 tỷ USD) từ EU và hơn 8 tỷ USD từ một gói hỗ trợ của Mỹ.

Bà Olena Bilan, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty Dragon Capital, nhận định Ukraine có thể thiếu nhiều tỷ USD để đáp ứng nhu cầu tài chính trong năm 2024. Trong khi đó, chỉ cần thiếu 10 tỷ USD thôi cũng đã có thể gây ra nhiều vấn đề cho sự ổn định kinh tế vĩ mô và chương trình vay của nước này với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Bà Bilan cho biết IMF yêu cầu Ukraine phải có sự đảm bảo tài chính vững chắc trong 12 tháng tới, vì thế nguồn viện trợ nước ngoài nếu giảm mạnh có thể đe dọa chương trình vay của Ukraine với IMF.

Theo bà Bilan, để lấp đầy phần thâm hụt ngân sách, Ukraine có thể phải tăng thuế - biện pháp sẽ gây phản tác dụng cho nền kinh tế, hay thậm chí là in tiền cho ngân sách - động thái cũng đi kèm nhiều rủi ro. Thống đốc Ngân hàng trung ương Ukraine Andriy Pyshnyi đã nói rõ rằng in tiền là một biện pháp cực đoan và ngân hàng này không có ý định dùng đến biện pháp này trong năm nay.

Ukraine cũng cần phải tìm cách tái cơ cấu khoảng 20 tỷ USD nợ quốc tế trong năm tới, sau khi những người nắm giữ trái phiếu chính phủ của nước này hồi tháng 8/2022 đã đồng ý đóng băng thanh toán trong hai năm.

Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko cho biết chính phủ nước này kỳ vọng sẽ nhận được đủ tiền viện trợ nước ngoài trong năm 2024, song cũng nói thêm rằng nếu tình hình xung đột kéo dài, Ukraine có thể phải tính đến việc thích nghi với các điều kiện mới.

Kinh tế Ukraine đang trên đà hướng đến mức tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay, sau khi giảm gần 1/3 trong năm ngoái. Lạm phát đã giảm xuống mức một chữ số, dự trữ ngoại hối đang ở gần các mức cao lịch sử và viện trợ nước ngoài đến thường xuyên trong năm nay.

Tuy nhiên, dù có những dấu hiệu phục hồi trong năm nay, nhưng nền kinh tế lấy động lực từ hàng hóa này vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với trước khi xảy ra xung đột với Nga, và còn nhiều rủi ro bủa vây.

Hàng triệu người dân Ukraine vẫn đang ở nước ngoài do tình hình hỗn loạn ở trong nước, khiến nhiều doanh nghiệp gặp tình trạng thiếu lao động, nhất là ở các vị trí đồi hỏi kỹ năng cao.

Giới chuyên gia cho rằng kinh tế Ukraine cũng bị kìm hãm bởi các nỗ lực phong tỏa Biển Đỏ của Nga, dù một tuyến đường vận chuyển mới được thiết lập trong mùa Hè này đã giúp Ukraine xuất khẩu hàng hóa và có thể thúc đẩy tăng trưởng trong năm tới.

Diễn biến xung đột vẫn chưa rõ ràng, và hoạt động logistics cho hàng xuất khẩu vẫn bị gián đoạn khi người tị nạn vẫn ở nước ngoài. Viện kinh tế nông nghiệp quốc gia Ukraine cho biết các vấn đề về vận tải và logistics đã khiến xuất khẩu nông sản trong tháng 11/2023 giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái và đẩy giá thực phẩm nhập khẩu tăng cao. Thực phẩm chiếm 60% hàng xuất khẩu của Ukraine.

Công ty đầu tư ICU ở Kiev dự đoán tăng trưởng của nước này sẽ giảm xuống 5% trong năm 2024 sau khi đạt mức 5,8% trong năm nay, với lạm phát được dự đoán sẽ tăng lên trong năm tới. Dragon Capital dự báo kinh tế Ukraine sẽ tăng khoảng 4% trong năm 2024 sau khi tăng 5,2% trong năm nay.

               

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục