Nông nghiệp Colombia “điêu đứng” vì các lệnh trừng phạt Nga

06:30' - 03/05/2022
BNEWS Ngành nông nghiệp Colombia đối mặt viễn cảnh mất tới 139 triệu USD do cuộc khủng hoảng thậm chí còn không diễn ra ở Nam Mỹ.

Colombia, quốc gia Mỹ Latinh thân cận nhất với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đang phải hứng chịu “tên bay đạn lạc” từ các lệnh trừng phạt mà Mỹ và đồng minh áp đặt nhằm chống lại Nga. Ngành nông nghiệp Colombia đối mặt viễn cảnh mất tới 139 triệu USD do cuộc khủng hoảng thậm chí còn không diễn ra ở Nam Mỹ.

Colombia không chỉ xuất khẩu sang Nga thịt, hoa, cà phê, chuối, bơ và các sản phẩm từ sữa, mà còn nhập khẩu nhiều mặt hàng phục vụ ngành nông nghiệp như phân chuồng, urê và phân bón. Do đó, ngành nông nghiệp nước này đặc biệt lo ngại trước lập trường căng thẳng mà Chính phủ của Tổng thống Colombia Iván Duque duy trì với Nga.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik, nhà kinh tế học Diego Carrero Barón, Giáo sư của Trường Đại học Hành chính Công và nhà nghiên cứu tại Trung tâm Tư tưởng Chính sách Tài khóa thuộc Đại học Quốc gia Colombia, nhấn mạnh rằng quốc gia Nam Mỹ mỗi năm xuất khẩu hàng hóa trị giá 139 triệu USD sang Nga. Chỉ tính riêng trong hai tháng đầu năm 2022, con số này đã là 26 triệu USD.

Theo Cục Thống kê Hành chính Quốc gia Colombia (DANE), lượng hàng hóa mà nước này nhập khẩu từ Nga đạt tổng cộng 477 triệu USD vào năm 2021 và con số này từ đầu năm tới nay là hơn 70 triệu.

Nhà kinh tế học Carrero Barón dẫn các số liệu cho thấy hiện tại Colombia đang thâm hụt cán cân thương mại với Nga. Khoảng 16% sản phẩm thịt của Colombia được xuất khẩu sang Nga, và đây chính là mất mát đo đếm được nếu quan hệ song phương đóng băng. Ở chiều ngược lại, 30% nguồn nguyên liệu đầu vào nông nghiệp, bao gồm phân chuồng, urê, phân bón… của Colombia là do Nga (22%) và Belarus (8%) cung cấp.

Tổng thống Colombia Iván Duque đã phản ứng rất gay gắt trước các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine. Đáp lại, Chính phủ Nga cũng chỉ trích mạnh mẽ việc thực hiện không ổn định các thỏa thuận hòa bình ở quốc gia Nam Mỹ này, khiến quan hệ ngoại giao song phương căng thẳng, ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động hợp tác khác. 

Các ngành kinh tế Colombia bắt đầu lo lắng, đặc biệt là các chủ trang trại và nông dân, những người đã lên tiếng đề nghị duy trì đối thoại nhằm hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước.

* Câu chuyện vĩ mô

Nhà kinh tế Colombia Carrero Barón chỉ ra rằng các lệnh trừng phạt chống lại Nga ban đầu sẽ ảnh hưởng đến châu Âu, tạo ra "khuynh hướng lạm phát đình trệ", chỉ việc tăng trưởng kinh tế đình trệ trong khi một số lĩnh vực tăng trưởng chậm lại và lạm phát cao.

“Tình trạng lạm phát đình trệ ảnh hưởng đến kinh tế Colombia vì hai lý do. Thứ nhất, cán cân thâm hụt thương mại mà nước này đang có với Nga khiến nông sản tiếp tục tăng giá, áp lực lạm phát theo đó gia tăng ở thị trường trong nước, với kỳ vọng lạm phát trong năm nay vào khoảng 7 hoặc 8%. 

Thứ hai, ở cấp độ quốc tế, xuất hiện những kỳ vọng về quyết định của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đối với lãi suất, vì việc tăng lãi suất sẽ làm giảm các khoản đầu tư và điều này sẽ làm đẩy nhanh sự đình trệ của nền kinh tế”, ông phân tích.

Theo chuyên gia Barón, “việc tăng lãi suất ở Mỹ tạo ra áp lực lên đồng nội tệ peso của Colombia, dự kiến trong nửa cuối năm nay sẽ ở mức khoảng 4.000 peso đổi 1 USD. Điều này không chỉ khiến xuất khẩu trở nên đắt đỏ hơn, tạo ra áp lực lạm phát, mà còn làm tăng nợ nước ngoài, tăng lãi suất và những yếu tố có thể kiềm hãm sự phát triển của nền kinh tế. Do đó, tình trạng lạm phát đình trệ này tạo ra áp lực lên chính sách tiền tệ và hối đoái, làm mất giá đồng tiền của Colombia”.

* “Kẻ khóc, người cười”

Giáo sư Carrero Barón khẳng định lạm phát sẽ ảnh hưởng đến nhóm dân cư có thu nhập thấp nhất cũng như các ngành nông nghiệp, vì chi phí sản xuất tăng đồng nghĩa với việc tăng giá hàng hóa tiêu dùng ưu tiên của tầng lớp dân cư. 

Việc tăng chi phí sản xuất sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp, lĩnh vực có tỷ lệ người lao động nghèo và nghèo cùng cực cao nhất. Số liệu của DANE cho thấy tính đến năm 2020, có đến 4,74 triệu người Colombia sống trong các điều kiện nghèo nàn ở nông thôn.

Mặt khác, lĩnh vực kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất từ lệnh trừng phạt đối với Nga là dầu mỏ do giá quốc tế tăng phi mã. Tuy nhiên, theo nhà kinh tế học Barón, sản lượng dầu của Colombia trong những năm gần đây đang có chiều hướng giảm.

Trích dẫn các số liệu, chuyên gia này chỉ rõ rằng “để đạt được giá trị xuất khẩu dầu tương đương so với năm 2010, Colombia cần giá dầu ở mức 185 USD một thùng (giá hiện tại là 42 USD). Điều này cho thấy đây là lĩnh vực sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, nhưng thậm chí lợi ích đạt được còn chẳng bằng năm 2010”. Về khí đốt, Colombia chưa phát triển cơ sở hạ tầng để xuất khẩu, nên mọi hy vọng hưởng lợi chỉ có thể trông vào dầu mỏ.

Trước đó, Tổng thống Colombia Iván Duque khẳng định quốc gia Nam Mỹ này có thể bù đắp một phần tình trạng thiếu hụt nguồn năng lượng đang đe dọa phương Tây do các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga. Tổng thống nhấn mạnh Colombia có thể tăng sản xuất dầu và khí đốt, cũng như các loại năng lượng tái tạo như hydro và than sạch.

Nhiều quốc gia đã lên án chiến dịch quân sự mà Nga phát động vào ngày 24/2 nhằm  vào Ukraine, đồng thời kích hoạt nhiều loại lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và các ngành khác nhau để gây áp lực lên Nga. 

Kể từ cuối tháng Hai, hàng trăm công ty đã công bố quyết định tạm ngừng kinh doanh tại và với Nga. Lần đầu tiên, các hạn chế bao gồm việc ngắt kết nối một phần khỏi hệ thống SWIFT (một nền tảng kết nối khoảng 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và đóng vai trò là cơ sở của hệ thống tài chính quốc tế), đóng băng các nguồn dự trữ quốc tế, cấm vận nhập khẩu một số loại năng lượng, cũng như đóng cửa không phận, cảng và đường giao thông cho phương tiện của Nga… đồng loạt được áp dụng.

Theo cơ sở dữ liệu Castellum.AI, Nga hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các lệnh trừng phạt, vượt qua cả Iran, Syria, CHDCND Triều Tiên và Venezuela. Kể từ giữa tháng Hai, hơn 6.600 biện pháp hạn chế mới đã được kích hoạt nhằm chống lại Nga, bên cạnh hơn 2.750 biện pháp đã có hiệu lực./. 

                                                                                                                                                

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục