Nông nghiệp công nghệ cao: Hướng phát triển tất yếu của Bình Thuận

10:29' - 30/06/2017
BNEWS Bình Thuận xác định phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu, nhằm tạo bước đột phá nâng cao sức cạnh tranh của nền nông nghiệp địa phương trong quá trình hội nhập.
Nông nghiệp công nghệ cao: Hướng phát triển tất yếu của Bình Thuận. Ảnh Chương Đài - TTXVN

Để phát triển ngành nông nghiệp vững chắc, có khả năng cạnh tranh và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, phù hợp với yêu cầu của thị trường, tỉnh Bình Thuận xác định phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu, nhằm tạo bước đột phá để nâng cao sức cạnh tranh của nền nông nghiệp địa phương trong quá trình hội nhập.

Bình Thuận là tỉnh có cả vùng đồi núi, đồng bằng, ven biển với những tiểu vùng khí hậu đặc trưng, lợi thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao toàn diện với những sản phẩm cạnh tranh theo hướng tập trung, chất lượng cao, bền vững.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình sản xuất ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến ở quy mô doanh nghiệp và hợp tác xã như trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...

Toàn tỉnh có hơn 600.000 ha diện tích đất nông nghiệp, nhưng hiệu quả sản xuất vẫn chưa cao, nông sản làm ra chất lượng thấp và sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh ước tính đến đầu năm 2017 chiếm khoảng 4% trong tổng giá trị sản phẩm của ngành.

Ông Phạm Hữa Thủ, Trưởng Phòng Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết, trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, tỉnh cũng đã bước đầu ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cho thanh long, canh tác lúa.

Ví dụ: hệ thống nước nhỏ giọt trên thanh long, đã nhân rộng phát triển nhiều khu vực trên toàn tỉnh, với khoảng 10.000 ha.

Trong sản xuất chăn nuôi, cũng có nhiều mô hình trang trại chăn nuôi khép kín, năng suất chất lượng sản phẩm cao. Nhiều mô hình sản xuất chăn nuôi Gap trên một số vườn rau phát triển có hiệu quả.

Tỉnh Bình Thuận xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng không còn con đường nào khác là đẩy mạnh phát triển công nghệ cao.

Đi đầu trong mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ là chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao tại xã Sông Bình (huyện Bắc Bình) của công ty Công ty TNHH Thông Thuận.

Công ty đã nhập nuôi 1.000 con bò giống, tính đến tháng 6/2017, đàn bò đã sinh sản được gần 700 con bò con. Từ giống bò đến chăn nuôi tại đây được thực hiện hoàn toàn theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Trong giai đoạn đến năm 2020, Công ty TNHH Thông Thuận sẽ triển khai 5 dự án với tổng diện tích 825 ha, tổng vốn đầu tư 4.527 tỷ đồng, gồm dự án trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao tại xã Sông Bình; Dự án cụm công nghiệp Sông Bình; Dự án Nhà máy chế biến sữa Thông Thuận và Dự án Nhà máy sản xuất nước giải khát Thông Thuận.

Ông Lê Bảo Nguyên, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thông Thuận cho biết: “Trong chăn nuôi, chúng tôi áp dụng công nghệ quản lý đàn của tập đoàn Dlavan, quản lý được các chỉ tiêu tốt về sữa, các bệnh của bò, và thời gian động dục chính xác để quản lý đàn. Trong giai đoạn đến năm 2020, nơi đây sẽ là trang trại chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao, với tổng đàn 23.600 con”.

Một mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng thanh long lần đầu tiên của tỉnh cũng đang được triển khai tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình.

Mô hình này không trồng thanh long theo cách truyền thống là trồng từng trụ, mà trồng theo hình thức dây leo từng giàn, vừa tiết kiệm diện tích, hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần so với truyền thống. Mô hình canh tác sử dụng hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch, không sử dụng thuốc hóa học…

Ông Phạm Văn Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Đông Á (đơn vị triển khai trồng thanh long giàn) cho biết, công ty đã triển khai 1,5 ha trồng thanh long theo hướng công nghệ cao; diện tích thanh long này nằm trong dự án với quy mô 60ha.

Công ty sẽ tăng sản phẩm đầu ra, giá thành sẽ cao, nếu đáp ứng được một số tiêu chuẩn sạch và hiện tại doanh nghiệp đã có đối tác ở bên nước Australia. Họ đã đồng ý công nhận sản phẩm của doanh nghiệp là thanh long Oganic (thanh long sạch).

Để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách toàn diện, tỉnh Bình Thuận đang hình thành vùng sản xuất thanh long theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghiệp cao với quy mô 10.000 ha, tại hai huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2.000 ha tại huyện Bắc Bình. Hiện nay, tỉnh đã cơ bản đầu tư xong hệ thống nước, phục vụ tưới 2.000 ha khu vực này.

Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ sản xuất cho ngành nông nghiệp khu vực duyên hải Nam Trung Bộ nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Đồng thời, tư vấn, chuyển giao công nghệ và phổ biến nhân rộng mô hình, ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao… phục vụ cho ngành nông nghiệp khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và tỉnh Bình Thuận.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục