Nông nghiệp hữu cơ vẫn gặp khó trong sản xuất và tiêu thụ

20:00' - 25/12/2018
BNEWS Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là rất lớn nhưng người sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn gặp rất nhiều khó khăn, từ vật tư đầu vào cho tới thị trường đầu ra.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Xuân Anh –TTXVN 

Đây là phản ánh của nhiều doanh nghiệp tại Diễn đàn xúc tiến phát triển sản phẩm nông sản hữu cơ do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 25/12. 

Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai cho biết, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao không chỉ ở thị trường Việt Nam mà cả thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, để sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì phải có nguồn giống, phân bón, bảo vệ thực vật hữu cơ nhưng hiện nay hợp tác xã không có đủ phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất.

Trong khi nguồn phân bón hữu cơ trong nước không đủ, hợp tác xã đề xuất được nhập phân bón hữu cơ từ nước ngoài về nhưng đã mấy tháng vẫn chưa có cơ quan nào trả lời. Sản xuất hữu cơ không chỉ gặp khó từ đầu vào mà đầu ra cũng khó do chi phí chứng nhận hữu cơ cao, thời gian chứng nhận lại kéo dài.

Theo ông Nguyễn Ngọc Luân, muốn phát triển nông nghiệp hữu cơ, chính sách nhà nước phải hướng tới người sản xuất và thực tế thị trường chứ không phải hướng tới mục tiêu quản lý doanh nghiệp. Vì vậy, cần xem xét và đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu các nguồn vật tư bị thiếu hụt, tạo điều kiện để người sản xuất duy trì phương thức canh tác hữu cơ liên tục, hiệu quả.

Bà Thương Lê, Phó Giám đốc Viet Pepper chia sẻ, có một nghịch lý trong sản xuất, tiêu dùng sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam là người tiêu dùng rất muốn mua sản phẩm hữu cơ, sản phẩm an toàn cho sức khỏe nhưng không biết mua ở đâu trong khi đó sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay quy mô còn rất nhỏ nhưng vẫn khó tìm thị trường đầu ra. Nguyên nhân là do người tiêu dùng chưa có kỹ năng nhận biết, lựa chọn sản phẩm hữu cơ.

Mặt khác, ngoài một số ít doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ thì phần lớn nông dân thiếu thông tin về quy định, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ của nhà nước.

Cùng với việc quản lý quy trình sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa rõ ràng nên nông dân gặp khó khăn trong thực hành sản xuất hữu cơ.

Theo bà Thương Lê, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên thế giới là rất lớn, đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ còn nhiều khó khăn, chi phí bảo hộ thương hiệu sản phẩm ở nước ngoài quá cao nên các doanh nghiệp nhỏ không gánh nổi.

Ông Ưng Thế Lãm, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu và xúc tiến thương mại Toàn Cầu nêu thực tế, hầu hết những người đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ đều là các doanh nghiệp ở các đô thị vì đầu tư sản xuất hữu cơ cần nguồn vốn lớn và dài hạn.

Do đó, các doanh nghiệp này phải đến các địa phương khác tìm quỹ đất để canh tác, tuy nhiên khó khăn lớn hiện nay là doanh nghiệp không thể biết khu vực nào có thể sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ngay cả lãnh đạo địa phương cũng không biết.

Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên khảo sát vùng nào có hướng sản xuất được sản phẩm hữu cơ sau đó tập hợp lại bộ danh sách những vùng làm hữu cơ và kêu gọi đầu tư.

Ngoài ra, đặc thù của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là khó có được mẫu mã đẹp, trong khi người tiêu dùng vẫn ưa chuộng chọn sản phẩm bằng thị giác thì việc tính đến khâu chế biến các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là điều cần thiết. Vấn đề là hiện nay, Việt Nam chưa có quy trình chuẩn đảm bảo sản phẩm sau chế biến vẫn đáp ứng tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ.

Ông Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh, hội viên Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cho biết, nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ngày càng tăng, đây cũng là xu hướng tiêu dùng chung ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ tạo ra sản phẩm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng còn bảo vệ người sản xuất khỏi các tác hại của việc lạm dụng phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời giúp duy trì sự đa dạng sinh học của môi trường.

Tuy nhiên, số liệu mới nhất cho thấy ở Việt Nam mới có hơn 117.000 ha đất canh tác và nuôi trồng thủy sản hữu cơ, chỉ chiếm 0,5% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

“Cơ hội cho phát triển nông nghiệp hữu cơ là rất lớn nhưng chúng ta đang thiếu rất nhiều danh mục phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho sản phẩm hữu cơ.

Mặt khác, việc cấp chứng nhận và dán nhãn sản phẩm hữu cơ còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho người sản xuất nhưng lại không tạo được sự tin tưởng từ người tiêu dùng.”, ông Dương Hoa Xô nhận định.

Ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ với tầm nhìn dài hạn và sẽ từng bước bổ sung các tiêu chí về chứng nhận sản phẩm hữu cơ.

Đồng thời sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như kinh phí xác định vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ, phân tích mẫu đất, nước, không khí; hỗ trợ chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ; đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ…

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Toản cũng khuyến cáo, sản xuất hữu cơ không phải là phương thức sản xuất có thể triển khai ồ ạt trên diện rộng vì đây chỉ là một nhánh mang tính đặc thù trong sản xuất nông nghiệp an toàn và chỉ phục vụ cho một phân khúc thị trường có yêu cầu cao về chất lượng.

Doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần chủ động cập nhật các chính sách hỗ trợ của nhà nước cũng như nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Quan trọng nhất, sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải phát triển song hành với truy suất nguồn gốc, tuân thủ, minh bạch trong quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng và sự phát triển bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục