Nông nghiệp thông minh – xu hướng mới tại châu Á

09:27' - 16/05/2017
BNEWS Nông nghiệp thông minh đang lan rộng trên các cánh đồng châu Á.

Nhiều nước trong khu vực đã và đang khởi động các chiến lược quốc gia nhằm tăng cường tự động hóa trong nông nghiệp với công nghệ người máy, cảm biến và phân tích dữ liệu.

Các công cụ đó có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong sản lượng cũng như chất lượng mùa vụ, và quan trọng nhất là lợi nhuận cho nhà nông.

Nhiều nước áp dụng các công nghệ hiện đại vào ngành nông nghiệp. Ảnh: Senseye Blog

Spread, một công ty sản xuất rau quả của Nhật Bản, dự kiến sẽ mở “trang trại robot" đầu tiên trên thế giới vào tháng 6/2018. Ông JJ Price, Giám đốc tiếp thị toàn cầu của Spread, cho biết chỉ có việc gieo hạt sẽ vẫn do con người đảm nhiệm, còn lại mọi thao tác khác, từ cấy cho đến thu hoạch, sẽ đều được thực hiện tự động.

Hệ thống tự động trên cũng sẽ kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, mức CO2 và ánh sáng, cũng như khử trùng nước. Sự đổi mới này sẽ nâng sản lượng rau xà lách của Spread từ 21.000 cây/ngày hiện nay lên 50.000 cây/ngày.

Không những thế, chi phí làm nông cũng có thể được cắt giảm đáng kể, khi hệ thống đèn LED sẽ giúp tiết kiệm 1/3 tiền điện, và 98% lượng nước sử dụng sẽ được tái chế.

Bên cạnh Nhật Bản thì Malaysia cũng là một quốc gia khá năng động trong việc áp dụng dữ liệu và công nghệ cảm biến trong nông nghiệp. Malaysia đặt mục tiêu tăng 20% năng suất lao động trong lĩnh vực này trong 5 năm tới.

Trung tâm nghiên cứu và phát triển ICT của Malaysia (MIMOS) đã phát triển một nền tảng IoT (Internet of things – vạn vật kết nối) dùng để thu thập các dữ liệu về môi trường và chia sẻ cho các nhà cung cấp, các nhà sản xuất, buôn bán trong lĩnh vực nông nghiệp.

Malaysia cũng đang thử nghiệm các thiết bị cảm biến trong các trang trại để theo dõi sức khỏe của cá trong các hồ nuôi cá giống và tự động hóa hoạt động tưới tiêu.

Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia cũng đã phát triển một nền tảng để người tiêu dùng và các nhà xuất khẩu trong nước có thể theo dõi các tiêu chuẩn của sầu riêng. Nền tảng này sử dụng ứng dụng phân tích dữ liệu lớn và cho phép người tiêu dùng kiểm tra các dữ liệu hậu cần bằng cách quét mã code có trên quả sầu riêng.

Trong khi Thái Lan cũng đang tiến hành thử nghiệm ứng dụng phân tích dữ liệu lớn trong nông nghiệp. Giám đốc điều hành Cơ quan chính phủ điện tử của Thái Lan Sak Segkhoonthod cho biết, Bộ Nông nghiệp nước này muốn ứng dụng dữ liệu để cung cấp giải pháp cho nông dân.

Tiến sỹ Teerakiat Kerdchaoen từ trường Đại học Mahidol và nhóm của ông đang nghiên cứu phương pháp làm nông chính xác, một công nghệ có thể giúp hạn chế tình trạng lãng phí trong nông nghiệp .

Gần đây, Tiến sỹ Kerdchaoen đang thử nghiệm máy bay không người lái để theo dõi các điều kiện mùa vụ, robot đo lượng dinh dưỡng có trong đất và một hệ thống dự báo thời tiết cho người nông dân. Các công nghệ này có thể làm giảm chi phí và hạn chế tác động đối với môi trường bằng cách cắt giảm việc sử dụng hóa chất.

Theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường IDC, 39% dân số Thái Lan làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. IDC cho biết việc đặt trọng tâm vào các chính sách nông nghiệp thông minh đã đưa số tiền chi cho công nghệ thông tin (IT) trong ngành này chiếm đến 7,02% mức chi tiêu chính phủ.

Nông nghiệp thông minh đang phát triển rộng rãi và ngày càng phổ biến tại các nước châu Á. Vì thế robot nên được xem như những người đồng hành với nhà nông, thay vì là mối đe dọa đối với các lao động giản đơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục