Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế

17:36' - 13/02/2021
BNEWS Quá trình phát triển đất nước trong 35 năm qua đã chứng minh vai trò đặc biệt quan trọng của nông nghiệp trong phát triển kinh tế và đảm bảo ổn định kinh tế-xã hội.

Nông nghiệp không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, mà còn vươn lên trở thành ngành kinh tế năng động, phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế thế giới.

* Phát triển nông nghiệp-nông thôn toàn diện, theo hướng hiện đại hóa

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường, sinh thái của đất nước.

Do đó, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn và nâng cao đời sống nông dân. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã có nhiều nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, như: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị Trung ương 7 khóa X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23/11/2016 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 15/12/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Kết luận số 54-KL/TW ngày 7/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn...

Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng cũng nhấn mạnh: “Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu”.

Theo đó, phát triển nông nghiệp-nông thôn toàn diện, theo hướng hiện đại hóa, nhằm mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn đã trở thành một ưu tiên và then chốt trong chiến lược phát triển quốc gia. Cả trong hoạch định chiến lược phát triển quốc gia cũng như tổ chức thực hiện, Đảng và Nhà nước đã tập trung sức lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững hơn, đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ khu vực nông thôn; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội hiện đại, với hệ giá trị văn hóa mới, nâng cao sức mạnh của hệ thống chính trị ở nông thôn.

* Khu vực nông nghiệp có sự bứt phá

Qua 35 năm đổi mới, khu vực nông nghiệp-nông thôn và đời sống nông dân đã có những bứt phá. Đặc biệt, sau 12 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp đạt khá cao, bình quân khoảng 5,5%/năm trong giai đoạn 1986-2010. Giai đoạn 2011-2015 đạt trung bình 3,1%.

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp có xu hướng chậm lại (do sự sụt giảm của các yếu tố đầu vào và tỷ lệ lao động trong sản xuất nông nghiệp), bình quân giai đoạn 5 năm 2016-2020 đạt 2,7%.

Cùng với tăng trưởng nhanh, cơ cấu sản xuất nông, lâm, thuỷ sản chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao năng suất, gắn với nhu cầu thị trường.

Nhờ tăng trưởng nhanh, nông nghiệp Việt Nam đã không chỉ cung ứng đủ lương thực, thực phẩm, giúp đảm bảo an ninh lương thực và ổn định kinh tế-xã hội mà còn phục vụ đắc lực cho xuất khẩu.

Nếu như năm 1986, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt 486 triệu USD, thì sau 35 năm đổi mới và hội nhập, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu thế giới với tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2020 đạt 41,25 tỷ USD, gấp 85 lần so với năm 1986.

Đặc biệt, có một số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD, như: cà phê, gạo, hạt điều, rau quả, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ... Nông sản Việt đã đến trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU...

Công nghiệp chế biến nông sản phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản.

Trong 5 năm qua, có 67 nhà máy chế biến nông sản lớn, hiện đại được khởi công mới, đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư khoảng 2,58 tỷ USD, tạo ra năng lực mới thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo chiều sâu.

Nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn doanh nghiệp-hợp tác xã-hộ nông dân đã hình thành và được nhân rộng. Đến nay, cả nước có trên 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu; chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) mới được triển khai nhưng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có tốc độ phát triển mạnh mẽ, đã có trên 3.200 sản phẩm OCOP được công nhận.

* Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt

Song song với quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, trong nông thôn cũng diễn ra quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, theo hướng giảm bớt hoạt động sản xuất nông nghiệp, tăng các hoạt động phi nông nghiệp.

Phong trào xây dựng nông thôn mới được phát động và lôi cuốn sự tham gia chủ động và tích cực của nhân dân và các cấp các ngành ở nhiều địa phương.

Tính đến hết năm 2020, cả nước có 5.506 xã (62%) đạt chuẩn nông thôn mới, 173 đơn vị cấp huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới.

Người nông dân đã thực sự trở thành chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, được thụ hưởng những thành quả của đổi mới mang lại.

Nhiều mô hình, cách làm ăn mới được hình thành, phát triển; hạ tầng kinh tế-xã hội có bước phát triển mạnh mẽ theo hướng hiện đại hóa; thu nhập của người nông dân tăng lên rõ rệt, bình quân năm 2020 đạt 43 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, còn dưới 3% năm 2020 và chính sách xã hội, an sinh xã hội ngày càng được chăm lo.

Đã có nhiều hình thức tổ chức sản xuất như mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, hợp tác xã kiểu mới, kinh tế hộ, công ty gia đình... ra đời và phát triển có hiệu quả ở nông thôn.

Lĩnh vực giáo dục-đào tạo ở nông thôn được quan tâm chăm lo, với phong trào khuyến học, khuyến tài, chăm lo xây dựng trường lớp học cho con em nhận được sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.

Đời sống văn hóa nông thôn được chăm lo, với hệ thống thông tin truyền thông từng bước hiện đại hóa. Hệ thống nước sạch, vệ sinh môi trường có bước cải thiện. Hệ thống chính trị ở cơ sở nông thôn được đổi mới, nâng cao một bước chất lượng hoạt động.

Có thể nói, sau 35 năm, nông nghiệp Việt Nam đã trở thành một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc.

Sự phát triển của ngành nông nghiệp và nông thôn đã góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nông dân, làm cơ sở ổn định và phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục