Đại hội XIII của Đảng: Chuyển đổi tư duy nông nghiệp, tạo ra giá trị trên từng đơn vị diện tích

13:59' - 29/01/2021
BNEWS Bên lề Đại hội, đại biểu Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao đổi với báo chí về định hướng phát triển nền nông nghiệp sạch trong bối cảnh hội nhập.

Các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng có nhiều nội dung sâu sắc, toàn diện, làm rõ thêm vai trò, thành tựu cũng như những tồn tại, hạn chế của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; những giải pháp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Bên lề Đại hội, đại biểu Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao đổi với báo chí về định hướng phát triển nền nông nghiệp sạch, an toàn và xây dựng chuỗi giá trị nông sản trong bối cảnh hội nhập. 

*Phóng viên: Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp. Mục tiêu này đặt ra những vấn đề nào về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và quá trình xây dựng nông thôn mới trong nhiệm kỳ mới, thưa đồng chí?

*Thứ trưởng Lê Minh Hoan: Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng xác định nông nghiệp chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, với ba hướng chủ đạo gồm: nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh, tạo thành quỹ đạo chuyển đổi nền nông nghiệp, tăng thêm giá trị cho chương trình xây dựng nông thôn mới trong nhiệm kỳ tới.

Việc chú trọng tăng giá trị thay cho sản lượng sẽ tạo ra giá trị gia tăng đột biến trong những chuỗi ngành hàng.

Những mô hình cũ sẽ được triển khai đậm nét, lan tỏa hơn, có chính sách đồng bộ hơn để kích hoạt nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số, nông nghiệp chia sẻ; tạo ra giá trị trên từng đơn vị diện tích.

Việc ứng dụng khoa học - công nghệ và những tiến bộ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong khâu bảo quản, sơ chế, chế biến, đóng gói bao bì, thương mại điện tử... góp phần phân khúc, đáp ứng nhu cầu thị trường mở trong bối cảnh thực thi những hiệp định thương mại mà Việt Nam vừa tham gia, tạo cú hích cho ngành sản xuất; đồng thời đặt ra giải pháp nhằm tương thích, đáp ứng được những điều kiện, thị trường mà các hiệp định đã nêu.

Theo đó, nền nông nghiệp Việt Nam cần chuyển đổi từ sản lượng qua chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm để đáp ứng hàng rào kỹ thuật của những hiệp định thương mại.

Gốc của vấn đề là vừa phải phát huy giá trị, thành tựu của 5 năm qua đối với nền nông nghiệp, đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng để tạo điểm nhấn bằng tư duy mới về nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp chia sẻ, nông nghiệp thông minh…

Tất cả những điều này sẽ được kích hoạt trên từng cánh đồng, từng thửa ruộng; kích hoạt từ người nông dân, doanh nghiệp, hệ thống quản lý Nhà nước để cùng hướng đến mục tiêu tạo ra giá trị gia tăng đột biến hơn.

*Phóng viên: Trong nông nghiệp, trình trạng sản xuất nhỏ, manh mún, nông dân xa rời và dần dần bỏ ruộng vẫn còn tồn tại. Các dự thảo Văn kiện và những ý kiến thảo luận tại Đại hội XIII của Đảng có định hướng như thế nào để tạo ra bước thay đổi, phát triển cho nông nghiệp, thưa đồng chí?

*Thứ trưởng Lê Minh Hoan: Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã nói rõ vấn đề này. Một nền sản xuất nhỏ, manh mún, kéo dài đã mấy chục năm nhưng vẫn phải tiếp tục đối mặt với việc chia sẻ quỹ đất đai cho phát triển hạ tầng, phát triển công nghiệp và dịch vụ, đô thị; như vậy “nhỏ lại tiếp tục nhỏ”.

Đây là một điểm nghẽn. Để khắc phục tình trạng đó, Văn kiện nêu nội dung về tăng cường kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã, tổ hợp tác. 

Do đó, cần định vị lại vai trò của hợp tác xã trong tiến trình cơ cấu nông nghiệp, đặt hợp tác xã ở vị trí cao hơn và đưa ra nhiều quyết sách để chính hợp tác xã là mảnh ghép của kinh tế hộ nhỏ lẻ, làm cầu nối giữa người sản xuất với các doanh nghiệp, thị trường.

Thời gian qua, chúng ta đã làm được một bước về nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác. 

Tuy nhiên, dự thảo Văn kiện cũng đánh giá vẫn còn những tồn tại, nhất là về năng lực quản trị của hợp tác xã, về tính liên kết của hợp tác xã với các doanh nghiệp. 

Vì vậy, trong giai đoạn tới, chúng ta phải đặt kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã ở vị trí tương xứng với tiến trình cơ cấu lại nền nông nghiệp, xem nó như một cứu cánh để vượt qua “lời nguyền” sản xuất manh mún, nhỏ lẻ như trong thời gian vừa qua.

Với những kết quả đã đạt được như ở Sơn La, Đồng Tháp, Gia Lai, Kon Tum..., tôi tin rằng nếu cấp ủy, chính quyền các địa phương - nơi gần dân, gần những người sản xuất nhất, thấy được sự bức thiết của hợp tác xã, kinh tế hợp tác trong vấn đề liên kết, đầu tư, hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân, phong trào hợp tác xã trong thời gian tới sẽ phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn; thực sự là đòn bẩy để kết nối những hộ sản xuất nhỏ lẻ. 

Trong nền nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng khoa học công nghệ, việc hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, chúng ta không hỗ trợ cho hộ cá thể mà hỗ trợ qua kinh tế tập thể của hợp tác xã sẽ góp phần kích hoạt sự hợp tác giữa những người nông dân với nhau, từ đó tạo ra sự liên kết giữa người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. 

Cùng với việc chủ động hợp tác, liên kết, thị trường sẽ điều chỉnh lại quy mô, chất lượng sản xuất.

*Phóng viên: Văn kiện trình Đại hội XIII đề cập tới mục tiêu hướng tới nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, bền vững. Đồng chí có thể chia sẻ thêm quan điểm về vấn đề này?

*Thứ trưởng Lê Minh Hoan: Trong thời gian qua, một bộ phận nông dân đã nhận thức được vấn đề này, vì nếu không sớm nhận thức sẽ có rủi ro về mặt thị trường. 

Tôi nghĩ cần tăng cường công tác truyền thông, khuyến nông để thay đổi tư duy về yếu tố đầu vào, trong đó đặc biệt là việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức quy định. 

Chúng ta không thể vì tăng trưởng mà mất đi cân bằng hệ sinh thái, mất đi đa dạng sinh học, thậm chí mất đi uy tín, thương hiệu nông sản Việt Nam, bởi thương hiệu nông sản là từ chất lượng nông sản.

Phải làm sao để giúp người sản xuất hiểu rằng không thể đánh đổi sự tăng trưởng bằng môi trường nước bị ô nhiễm, không khí bị ô nhiễm và sức khỏe của cộng đồng, thậm chí là sức khỏe trực tiếp của người nông dân cũng bị ảnh hưởng.

Sắp tới, chúng ta sẽ triển khai những chương trình nhằm đo lường quá trình chuyển đổi từ thuốc bảo vệ thực vật vô cơ sang thuốc sinh học nhằm chứng minh hiệu quả với người sản xuất.

Mọi sự thay đổi với bà con đều rất khó khăn vì họ đã quen với tập quán, nhưng chúng ta phải chứng minh được dù có thể sẽ mất một thời gian nhất định để chuyển đổi từ nền nông nghiệp lạm dụng vật tư đầu vào tới nền nông nghiệp “thuận thiên”, tự nhiên.

Có sự đánh đổi giai đoạn ban đầu, năng suất có thể sẽ giảm xuống nhưng năng suất không đồng nghĩa với thu nhập, bởi khi chất lượng nông sản, thương hiệu đã được nâng lên thì giá bán cũng nâng cao hơn.

Tôi tin rằng nếu tiếp tục kiên trì tuyên truyền để người nông dân hóa giải được tập quán, thói quen, quán tính lâu đời thì chúng ta sẽ chuyển đổi thành công nông nghiệp Việt Nam trở thành nông nghiệp sinh thái.

*Phóng viên: Đồng chí đánh giá thế nào về việc thời gian qua, các tập đoàn tư nhân tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp?

*Thứ trưởng Lê Minh Hoan: Một tín hiệu rất vui là một số tập đoàn trước đây không tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, đến nay đã chuyển sang đầu tư vào nông nghiệp, xác định nông nghiệp không phải là lĩnh vực có thể nảy sinh lợi nhuận ngay mà tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, nhiều doanh nhân rất tâm huyết với nông nghiệp, với mục tiêu không chỉ làm giàu cho doanh nghiệp của mình, mà muốn tạo ra một cú hích để thay đổi hình ảnh nông nghiệp Việt Nam. Đó chính là giá trị cao nhất của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Từ giá trị đó, thời gian qua, các doanh nghiệp đã tạo "thế" để đưa nông sản của Việt Nam ra nước ngoài, chế biến những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn...

Chúng ta trân trọng những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, bởi cơ cấu lại nông nghiệp cần có "người dẫn dắt" - chính là các doanh nghiệp. Nhưng trong tự nhiên có đa dạng các loài chim: chim đại bang, chim sẻ,…

Chúng ta mong muốn có nhiều con đại bàng dẫn dắt nhưng cũng không quên những con chim sẻ.

Đó là những hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đầu tư ở các địa phương. Chương trình đổi mới sáng tạo hay khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ là lĩnh vực ưu tiên cho ngành Nông nghiệp trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp, bạn trẻ đã "hấp thu" được hàm lượng tri thức cao sẽ trở về khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp như phân loại, bảo quản, chế biến, thương mại điện tử... Khi đó sẽ tác động, lan tỏa đến cộng đồng, không kém gì các "con đại bàng" - các doanh nghiệp lớn.

Trước đây, chúng ta chỉ tính đến giá trị của những "con đại bàng" nhưng những "con chim sẻ" là những mô hình đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ góp phần tạo ra nền kinh tế nông nghiệp ở các địa phương.

Những đơn vị này có phân khúc nhất định. Các cơ quan truyền thông hãy trân quý, tôn vinh, phát hiện lực lượng "chim sẻ" để thu hút đội ngũ trí thức trẻ về làng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục