Nông nghiệp Việt Nam đối mặt với các thách thức từ TPP

16:24' - 28/10/2015
BNEWS TPP không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ngành nông nghiệp Việt Nam trước nhiều thách thức.

Nhằm giúp các nhà khoa học, nhà kinh tế, nhà chính sách có cái nhìn tổng thể hơn về cơ hội và thách thức của nông nghiệp và lao động khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), từ đó có những giải pháp thiết thực phát triển kinh tế đất nước, ngày 28/10, tại Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Văn Hiến, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo “Tác động của TPP đối với nông nghiệp và lao động Việt Nam”.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp, khi tham gia TPP, Việt Nam có lợi thế khi nhiều thành viên TPP là thị trường tiêu thụ nông sản lớn và đang có xu hướng mở rộng hơn như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Singapore…

Những thị trường này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội giảm áp lực phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống nhưng không ổn định. Bên cạnh đó, trong thị trường rộng lớn TPP, Việt Nam còn có thể điều chỉnh linh hoạt, tốt hơn cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, hạn chế tình trạng được mùa mất giá.

Lợi thế cạnh tranh về nông sản của Việt Nam trong TPP. Ảnh Lê Sen - TTXVN

“Khi TPP có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu được giảm thuế về 0%, hoặc còn duy trì ở mức thấp và có lộ trình giảm. Do đó, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các quốc gia xuất khẩu những mặt hàng nông sản cùng loại, nhưng lại không phải là thành viên của TPP, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực như: thủy sản, đồ gỗ, cao su, điều, tiêu…”, ông Hà Công Tuấn cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, TPP không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ngành nông nghiệp Việt Nam trước nhiều thách thức. Đó là nền nông nghiệp nước ta phổ biến là sản xuất nhỏ, quy mô hộ gia đình là chủ yếu, xuất khẩu nông sản ở dạng nguyên liệu thô…

Thêm vào đó, cơ hội giảm thuế quan chung cho tất cả các đối tác cũng dẫn đến tăng lượng hàng nhập khẩu nông sản hàng hóa từ các nước thành viên TPP vào Việt Nam với giá cạnh tranh, tạo áp lực cho sản xuất trong nước.
Trong đó, các chuyên gia đặc biệt lưu ý đến việc áp dụng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc trong TPP sẽ gây khó khăn cho việc xuất khẩu nông sản Việt Nam .

“Quy trình sản xuất theo lối nông hộ vẫn còn khá phổ biến ở Việt Nam khiến chất lượng nông sản khó đồng nhất. Nguyên liệu để sản xuất nông sản vẫn bị phụ thuộc vào Trung Quốc với chất lượng chưa được kiểm soát cũng khiến cho nông sản Việt Nam khó vượt qua được các đợt kiểm tra chất lượng đột xuất. Việc lượng tồn dư chất hóa học, kháng sinh, vi sinh vật trong nông sản khiến hàng xuất khẩu bị trả lại, gây thiệt hại rất cao”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, trường Đại học Văn Hiến (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết.
Tại Hội thảo, những vấn đề đặt ra cho lao động Việt Nam khi tham gia TPP cũng được các đại biểu phân tích. Theo đó, Việt Nam dự kiến sẽ có khả năng giải quyết nhiều việc làm và gia tăng thu nhập cho người lao động khi mở rộng sản xuất. Trình độ, kỹ năng người lao động cũng sẽ được cải thiện tốt hơn trong môi trường cạnh tranh.

Tuy nhiên, thực trạng liên quan đến lao động hiện nay cũng đặt Việt Nam trước những thách thức to lớn. Đó là trình độ nguồn nhân lực kém, khả năng thất nghiệp do doanh nghiệp phá sản và lao động nhập cư, mức độ đáp ứng chuẩn mực về lao động theo Tổ chức Lao động quốc tế chưa cao…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam cần chủ động hơn trong việc đẩy mạnh chất lượng nguồn lao động để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất khi TPP có tác động thúc đẩy xuất khẩu. Ngoài ra, cũng cần bám sát các tiêu chuẩn, quy định về Lao động trong TPP để có những điều chỉnh cần thiết, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Để thích ứng có hiệu quả, thành công với TPP, theo các chuyên gia tham dự hội thảo, trong thời gian chờ TPP được các nước thành viên phê duyệt chính thức, có hiệu lực, cần sớm công bố rộng rãi những kiến thức cơ bản và các quy định của TPP cho người dân cũng như doanh nghiệp trong nước, nhất là tuyên truyền sâu, rộng những thách thức, thuận lợi, lộ trình giảm thuế, mở cửa của thị trường.

Đặc biệt tập trung cao độ thực hiện chương trình tái cơ cấu nâng cao hiệu quả nông nghiệp, nâng năng lực cạnh tranh, phát triển chuỗi cung ứng nông sản.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng năm 2015, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai và biến động bất lợi của thị trường nhưng giá trị sản xuất toàn ngành tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2014. Tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất tăng, 64,7% năm 2013, năm 2014 là 67,8%, khoảng 68% năm 2015.

Tính đến hết tháng 8/2015, cả nước có 512 dự án FDI, đạt khoảng 3,43 tỷ USD, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng 21%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng tín dụng chung cho nền kinh tế (18,5%)…/.

Nguyễn Cúc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục