Nông sản được giá - "cơ hội vàng" đối với nền kinh tế Canada

07:52' - 25/05/2021
BNEWS Nền kinh tế Canada đang nhận được sự hậu thuẫn tích cực khi giá của nhiều loại nông sản vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm.

Nền kinh tế Canada đang nhận được sự hậu thuẫn tích cực khi giá của nhiều loại nông sản vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm, cùng với sự bùng nổ của giá gỗ xẻ và các kim loại cơ bản, vốn là những mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của Canada. Đặc biệt, giá hạt cải dầu đã tăng khoảng gấp đôi so với một năm trước.
Nhu cầu nông sản ngày càng tăng khi nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu hồi phục, đi cùng với sự thiếu hụt nguồn cung do thời tiết không thuận ở một số khu vực trên thế giới, đang đem đến cơ hội lớn cho nông dân Canada.

Brandan Leslie, phụ trách mảng chính sách và quan hệ chính phủ của tổ chức Grain Growers of Canada, cho biết tùy thuộc vào loại nông sản, nhưng giá nông sản nhìn chung đã tăng từ 10% đến 75% so với năm ngoái.

Cách đây khoảng 12-18 tháng, giá  đã bắt đầu tăng và sau đó có bước nhảy vọt trong năm 2021.

Giá ngô đã tăng 50% trong 4 tháng qua và chạm mức cao nhất kể từ năm 2012, trong khi giá đậu tương trở lại mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2013-2014 và lúa mỳ đang được giá nhất kể từ năm 2012.
Trung Quốc luôn là động lực thúc đẩy nhu cầu hàng hóa trên toàn cầu. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang quay trở lại thị trường lương thực sau khi hoạt động mua vào bị ảnh hưởng, trong bối cảnh khoảng 30% đàn lợn của nước này bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi.

 Sau giai đoạn căng thẳng thương mại dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Trung Quốc đang tăng đáng kể các hợp đồng mua đậu tương của Mỹ.

Trung Quốc là nước tiêu thụ đậu tương lớn nhất, chiếm khoảng 60% doanh số bán trên quy mô toàn cầu. Aaron Goertzen, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Montreal cho biết: “Khi đàn gia súc dần phục hồi, Trung Quốc ngày càng mua nhiều các sản phẩm thức ăn chăn nuôi trên thị trường toàn cầu. Chiến tranh thương mại kết thúc, Trung Quốc cũng mua từ Mỹ và điều đó hỗ trợ cho việc định giá”.
Avery Shenfeld, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại CIBC, cho biết, giá hàng hóa cao có tác động tích cực đến nền kinh tế, thị trường chứng khoán và cả đồng nội tệ của Canada.

Giá gỗ xẻ tăng 85% trong năm 2021, trong bối cảnh hoạt động xây dựng và cải tạo nhà ở tăng mạnh ở Mỹ.

Trong khi đó, giá đồng, quặng sắt, thép, nhôm, lithium, cobalt và thiếc đạt các mức tăng lần lượt là 34%,  45%, 40%, 24%, 91%, 39% và 45%. Tuy nhiên, giá hàng hóa cao cũng có mặt trái là góp phần gây ra lạm phát - một mối quan ngại đối với thị trường chứng khoán.

Các nhà kinh tế dự báo giá hàng hóa sẽ hạ nhiệt trong năm tới, không phải vì nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại, mà bởi vì các nhà sản xuất không đầu tư thích đáng trong vài năm qua, sẽ có thời gian để tăng sản lượng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục