Nông sản Việt cần gì để thâm nhập thị trường EU?

14:53' - 07/08/2018
BNEWS Ngày 7/8, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo “Xúc tiến thương mại nông sản, thực phẩm sang các thị trường EU và Nhật Bản”.
Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Nhằm góp phần tăng cường phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với các nước Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản cũng như cập nhật thông tin về thị trường cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, ngày 7/8, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo “Xúc tiến thương mại nông sản, thực phẩm sang các thị trường EU và Nhật Bản”. 

Tại hội thảo, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, với thế mạnh là một nước nông nghiệp nhiệt đới đã và đang hội nhập sâu sắc vào nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam có thể sản xuất đa dạng các sản phẩm nông nghiệp có giá trị dinh dưỡng và thương mại cao.

Theo thống kê đến hết quý II/2018 của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã có hơn 10 sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực, có mặt tại hơn 160 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, có các sản phẩm xuất khẩu trên 1 tỷ USD như: cà phê, gạo, điều, rau quả, tiêu… và có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản.

Một số mặt hàng có vị trí xuất khẩu cao trên thế giới như mặt hàng điều, hồ tiêu (đứng thứ nhất); mặt hàng cà phê (đứng thứ hai); mặt hàng gạo (đứng thứ ba).

Tính riêng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 5 tháng đầu năm 2018 đạt 15,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2017 và Việt Nam có cơ hội đứng trong top 5 các quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, với hạn chế về năng lực chế biến chuyên sâu, chưa phát triển được mạnh về thương hiệu nên xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam dù nhiều về số lượng nhưng giá trị kim ngạch chưa tương xứng, lợi nhuận xuất khẩu phải chia sẻ qua nhiều khâu trung gian. 

Bên cạnh đó, quá trình hội nhập cũng là thách thức không nhỏ khi doanh nghiệp phải đối mặt với một loạt các vấn đề về cạnh tranh thị trường, các biện pháp bảo hộ thông qua những hàng rào kỹ thuật như các quy chuẩn, tiêu chuẩn, yêu cầu về an toàn chất lượng, các thủ tục kiểm tra, chứng nhận phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn… khắt khe hơn ở các thị trường nhập khẩu.

Ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường khu vực châu Âu có nhu cầu lớn về các sản phẩm nông sản, đặc biệt rất ưa chuộng các sản phẩm nông sản nhiệt đới, tuy nhiên rất đề cao giá trị thực phẩm, chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Châu Âu nằm trong vùng ôn đới, không có điều kiện sản xuất các mặt hàng nông sản  nhiệt đới. Vì vậy trong thương mại song phương, Việt Nam đặc biệt có lợi thế về sản xuất và xuất khẩu nông sản nhiệt đới sang khu vực này. Hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang khu vực châu Âu có mức độ tập trung cao về chủng loại và sản phẩm.

Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Quân lưu ý, EU là một trong những thị trường có nhiều quy định hàng rào phi thuế quan về chất lượng sản phẩm, tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần đáp ứng tốt các yêu cầu tiếp cận thị trường.

Đặc biệt, cần chủ động nắm vững các cam kết của Việt Nam và các nước đối tác, không chỉ các lĩnh vực truyền thống; thay đổi tư duy kinh doanh, tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài, tham gia dây chuyền cung ứng toàn cầu, nâng cao năng suất lao động và tay nghề lao động phục vụ cho ngành.

Trong từng ngành hàng cần đưa ra những bộ quy tắc sản xuất, phải có sự chuẩn hóa, tiêu chuẩn ISO của toàn bộ quá trình, quá trình từ sản phẩm đầu vào đến sản phẩm đầu ra.

Trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm, phải lưu giữ thật tốt sản phẩm vì EU yêu cầu phải trích xuất được nguồn gốc trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm.

EU là thị trường lớn và tiềm năng cho hàng rau quả của Việt Nam, đây là thị trường yêu cầu cao về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng sản phẩm là những vấn đề quan trọng mà EU quan tâm. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, EU hạn chế sử dụng một số hóa chất, do đó sản phẩm nhập khẩu được kiểm soát kỹ.

Để có thể xuất khẩu mặt hàng rau quả vào thị trường EU, ngoài vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch, các sản phẩm của doanh nghiệp Việt phải đạt chuẩn HACCP hay GlobalGAP.

Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chú ý tới xu hướng tăng tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ, vì ngày càng nhiều người tiêu dùng EU thích các sản phẩm thực phẩm được sản xuất và chế biến bằng phương pháp tự nhiên.

Về phía doanh nghiệp, cần tập trung quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất tập trung phục vụ cho sản phẩm chủ lực xuất khẩu; đầu tư cho công nghệ xử lý kiểm dịch thực vật và công nghệ bảo quản, chế biến sâu đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. 

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam, các sản phẩm rau quả xuất khẩu cần hướng tới các sản phẩm hữu cơ vì ngày càng nhiều người tiêu dùng EU thích các sản phẩm thực phẩm được sản xuất và chế biến bằng phương pháp tự nhiên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục