Novaland chậm thanh toán trái phiếu tác động gì lên thị trường tài chính?

11:38' - 25/03/2023
BNEWS Những ảnh hưởng bất lợi từ sự kiện Novaland đến bản thân công ty, đến nhà đầu tư trái phiếu, đến hệ thống ngân hàng và đến toàn thị trường là không hề nhỏ.

Những khó khăn trong việc huy động vốn và xoay chuyển dòng tiền cùng với hoạt động kinh doanh kém khả quan do các sản phẩm của  Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – mã chứng khoán: NVL)  thuộc phân khúc cao cấp nhạy cảm với môi trường lãi suất cao, nhiều khả năng sẽ khiến Novaland không thể thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn. Đây là nhận định của chuyên gia tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS).

Trong trường hợp đó, do khi một khoản nợ không được thanh toán đúng hạn, các khoản nợ khác của doanh nghiệp sẽ bị chuyển nhóm sang nợ xấu, hay còn gọi là vỡ nợ chéo (cross-default). Qua đó làm suy giảm chất lượng tài sản của ngành ngân hàng, khiến những ngân hàng cho Novaland vay phải trích lập dự phòng, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh năm 2023. 

Hơn nữa, những khoản vay thế chấp mua bất động sản của chủ đầu tư mất khả năng thanh toán, hoặc hết thời hạn ân hạn càng làm trầm trọng thêm rủi ro suy giảm chất lượng tài sản.

Trong trường hợp Novaland không thể thanh toán các khoản nợ của mình, PHS ước tính nợ xấu ngành ngân hàng sẽ tăng thêm ít nhất 2.931 tỷ đồng, tương đương tăng thêm 3 điểm cơ bản và lợi nhuận sau thuế của toàn ngành sẽ giảm ít nhất 1,49% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong hệ thống ngân hàng, các ngân hàng trực tiếp cho Novaland vay sẽ chịu ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau.  Mặt khác, những ngân hàng đối tác của Novaland dù không cho Novaland vay nhưng nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng hơn những ngân hàng còn lại thông qua các khoản cho vay cá nhân mua nhà, PHS nhận định.

 

Một loạt những thông tin không mấy khả quan được Novaland đã công bố như: thông tin bất thường về việc chậm thanh toán lãi, gốc hai lô Trái phiếu NVLH2224005 và NVLH2123009 với tổng số tiền gần 1.080 tỷ đồng.

Novaland cũng có công văn gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) giải trình việc chưa thanh toán tiền lãi 26,5 tỷ đồng đối với lô NVLH2224005 và chưa thanh toán lãi hơn 53 tỷ đồng kèm gốc 1.000 tỷ với lô NVLH2123009 khi đã đến hạn ngày 13/2.

Ngoài ra, Novaland đã trình bày phương án xin giãn thời hạn thanh toán tiền gốc trái phiếu, hoặc hoán đổi tiền gốc trái phiếu với bất động sản do công ty đang đầu tư và phát triển.

Lô Trái phiếu NVLH2224005 có giá trị 500 tỷ được Novaland phát hành ngày 16/2/2022 và đáo hạn sau 1 năm tại ngày 16/2/2024. Lô Trái phiếu NVLH2123009 phát hành ngày 12/2/2022 có tổng giá trị 1.000 tỷ đồng đáo hạn ngày 12/2/2023. Đồng thời một số công ty con của Novaland cũng liên tục thông báo chậm trả lãi các lô Trái phiếu đã phát hành.

Cụ thể, Công ty TNHH Bất động sản Gia Phú (công ty con được NVL nắm 99,95% vốn) công bố chậm thanh toán gốc, lãi lô trái phiếu giá trị 250 tỷ đồng, đây là lô Trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có lãi suất 10,5%/năm bảo đảm bằng 5,25 triệu cổ phiếu NVL. Tính đến Tháng 8/2022, công ty đã mua lại 1 nửa lô trái phiếu với giá trị 125 tỷ đồng và hiện tại đang chậm thanh toán lãi suất của phần còn lại.

Một công ty con nữa của Novaland là CTCP NovaFinal Solution cũng chậm thanh toán lãi gần 36 tỷ đồng cho lô trái phiếu phát hành ngày 13/3/2020 có kỳ hạn 4 năm với giá trị 1.100 tỷ đồng, công ty đã chậm thanh toán lãi từ ngày kế hoạch là 13/12/2022 kéo dài đến 23/12/2022.

Rõ ràng những ảnh hưởng bất lợi từ sự kiện Novaland đến bản thân công ty, đến nhà đầu tư trái phiếu, đến hệ thống ngân hàng và đến toàn thị trường là không hề nhỏ.

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong hai năm tới vẫn còn lớn với 650.319 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn; trong đó có 289.819 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 và 360.500 tỷ đồng đáo hạn vào năm 2024.

Trước bối cảnh áp lực đáo hạn trái phiếu tăng cao, các doanh nghiệp phải tìm nguồn vốn đối ứng để trả nợ trái phiếu. Ngày 5/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định 08).

Nghị định được giới phân tích nhận định là giải pháp tình thế để bình ổn những vấn đề cấp thiết trong ngắn hạn đối với thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường tài chính nói riêng.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tính đến ngày công bố thông tin 17/3/2023, có 6 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị phát hành đạt 11,93 nghìn tỷ đồng được ghi nhận.

Con số này nếu so với tháng 1 trước đó chỉ có duy nhất một lô phát hành riêng lẻ với giá trị 110 tỷ đồng và tháng 2 có 3 lô tổng trị giá 2 nghìn tỷ thì rõ ràng đã tăng rất nhiều. Nếu so với tháng 3/2022 cũng đã tăng vượt bậc. Cụ thể, trong tháng 3/2022 có 2 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và 10 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 3,621 nghìn tỷ đồng

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), việc Nghị định 08/2023/NĐ-CP được chính thức ban hành sẽ tác động tới thị trường trái phiếu theo hướng tích cực là tạo khuôn khổ pháp lý để tổ chức phát hành và trái chủ có thêm thời gian và có thêm lựa chọn mới cho việc đàm phán thanh toán gốc và lãi vay.

Tổ chức phát hành có thêm thời gian để tài cấu trúc tài chính nếu đàm phán gia hạn nợ thành công với trái chủ và có thêm phương án hoán đổi tài sản để trả nợ cho trái chủ hợp pháp. Với trái chủ thì họ có thêm cơ hội được thanh toán gốc và lãi vay bằng những tài sản khác có giá trị tương xứng.  Quyền lợi của trái chủ vẫn được đề cao trong Nghị định 08/2023/NĐ-CP.

Trái chủ có chấp thuận phương án gia hạn nợ hoặc hoán đổi tài sản của tổ chức phát hành đưa ra hay không thì quyền lợi của trái chủ vẫn phải được tổ chức phát hành đảm bảo, đây là điểm mà tôi cho rằng đúng với bản chất của quan hệ vay nợ trên thị trường trái phiếu hiện nay”, ông Ngọc nói.

Theo PHS, nhờ Nghị định 08, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán NVL) đã đề xuất thanh toán lô trái phiếu 1.500 tỷ đồng bằng bất động sản.

Theo đó, Novaland công bố thông tin về việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản và điều kiện của trái phiếu mã NVLH222006. Novaland đưa ra hai phương án thay đổi việc thanh toán gốc lãi đối với lô trái phiếu.

Phương án 1: Tiền gốc trái phiếu sẽ được công ty thanh toán chậm nhất vào ngày tròn 24 tháng kể từ ngày đáo hạn trái phiếu. Tiền lãi phát sinh trong thời gian thanh toán nợ được tính bằng mức lãi suất trái phiếu theo quy định tại các điều khoản và điều kiện của trái phiếu. Còn khoản nợ sẽ được thanh toán một lần vào ngày cuối cùng của thời gian thanh toán nợ.

Phương án 2: Novaland sẽ thanh toán trái phiếu bằng tài sản (sản phẩm bất động sản, quyền tài sản liên quan đến sản phẩm bất động sản) thuộc một dự án do công ty con của Novaland  làm chủ đầu tư.

Công ty sẽ thanh toán trái phiếu bằng sản phẩm bất động sản, quyền tài sản liên quan đến sản phẩm bất động sản do mình làm chủ đầu tư.

Lô trái phiếu NVLH222006 được phát hành vào tháng 3/2022, là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo bằng VND. Kỳ hạn trái phiếu là 2 năm, theo kế hoạch sẽ đáo hạn vào tháng 3/2024. Tổng mệnh giá phát hành là 1.500 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Novaland, công ty thay đổi việc thanh toán gốc lãi đối với lô trái phiếu NVLH222006 xuất phát từ Nghị định 08/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (Nghị định 08).

Thực tế, sau khi Nghị định 08 được ban hành, hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu phát hành thành công và phần lớn đơn vị phát hành là doanh nghiệp bất động sản.

Xuất phát điểm của Novaland là Công ty TNHH Thương mại Thành Nhơn với số vốn điều lệ 500 triệu đồng để kinh doanh thuốc thú y, nguyên liệu dược, hóa chất. Năm 2007, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Thành Nhơn được tái cấu trúc thành hai đơn vị là Công ty cổ phần Anova và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland).

Novaland hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản với mức vốn điều lệ ban đầu là 95,3 tỷ đồng. Ông Bùi Thành Nhơn giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland. Sau 12 lần tăng vốn, đến tháng 11 năm 2016, Novaland có vốn điều lệ là gần 5.962 tỷ đồng.

Ngày 28 tháng 12 năm 2016, Novaland chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã số chứng khoán “NVL” tại sàn chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), giá niêm yết là 50.000 đồng/cổ phiếu, tổng 589,4 triệu cổ phiếu. Với mức giá này, vốn hoá của Novaland ngay khi lên sàn là 29.500 tỷ đồng (khoảng 1,3 tỷ USD), trở thành doanh nghiệp bất động sản lớn thứ 2 trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ sau Tập đoàn Vingroup.

Ngày 20/01/2022, theo công bố thông tin từ Tập đoàn Novaland để tập trung lãnh đạo NovaGroup giai đoạn hậu tái cấu trúc, ông Bùi Thành Nhơn quyết định trao quyền và vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) cho ông Bùi Xuân Huy.

Tuy nhiên, đến ngày 3/2/2023, Novaland công bố nghị quyết của HĐQT về việc bầu ông Bùi Thành Nhơn giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT. Đồng thời, Novaland đang tập trung hành động cho công tác tái cấu trúc toàn diện, củng cố đội ngũ nhân lực vững chuyên môn, dày kinh nghiệm.  

Theo công bố mới nhất, Novaland đã điều chỉnh số lượng thành viên HĐQT từ 7 xuống 5 thành viên và bầu cử lại thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT). Theo đó, ông Bùi Thành Nhơn chính thức được bầu chọn là Chủ tịch HĐQT và là người đại diện pháp luật. 

Trước những khó khăn trong kinh doanh, Novaland đã thực hiện đề án tái cấu trúc, Novaland sẽ tinh gọn bộ máy, sơ đồ tổ chức có nhiều sự thay đổi, có sự tách bạch và phân quyền hoạt động độc lập, giữa Hội đồng quản trị, Ban điều hành, từng cá nhân được giao quyền và trách nhiệm rõ ràng. 

Với thách thức hiện tại, Novaland đã và đang cùng các đơn vị tư vấn hàng đầu như KPMG, E&Y Parthenon,... xây dựng đề án tái cấu trúc, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, tinh gọn nhân sự, xác định lại mục tiêu thay đổi chiến lược phát triển. /.

Tin liên quan

  • Lô trái phiếu nào được Novaland mua lại? Chứng khoán

    Lô trái phiếu nào được Novaland mua lại?

    15:57' - 24/03/2023

    Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán: NVL) vừa có phương án mua lại trái phiếu trước hạn với tổng khối lượng trái phiếu dự kiến mua lại tối đa tính theo mệnh giá là 25 tỷ đồng.

  • Tân Tổng Giám đốc Novaland là ai? Doanh nghiệp

    Tân Tổng Giám đốc Novaland là ai?

    19:25' - 17/03/2023

    Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán: NVL) vừa công bố Nghị quyết của HĐQT số 18/2023-NQ.HĐQT-NVLG về việc bổ nhiệm ông Dennis Ng Teck Yow giữ chức vụ Tổng Giám đốc.


Tin cùng chuyên mục