Novaland Group kinh doanh ra sao dưới áp lực nợ vay cao?

11:49' - 04/11/2022
BNEWS Tổng dư nợ của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland Group (mã chứng khoán: NVL) là 71,7 nghìn tỷ đồng, với 42% sẽ đáo hạn trong 12 tháng tới.

Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland Group (mã chứng khoán: NVL) vừa có báo cáo kết quả kinh doanh không mấy khả quan khi doanh thu giảm mạnh so với cùng kỳ, trong khi tỷ lệ nợ thuần/vốn chủ sở hữu ở mức cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành. Cùng đó, doanh nghiệp đang vay nợ bằng USD khá cao, do đó có thể sẽ tiếp tục đối diện với rủi ro đồng USD tăng giá.

Cụ thể, Novaland Group công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận thuần là 196,8 tỷ đồng, giảm 64,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu thuần là 3,3 nghìn tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ. Mặc dù ghi nhận thêm khoản thu nhập thường xuyên (nếu không có khoản này doanh nghiệp sẽ lỗ 385 tỷ đồng) nhưng kết quả kinh doanh vẫn thấp là do số lượng bàn giao sản phẩm Aqua City thấp.

 

Thực tế số lượng bàn giao thấp cũng là điều dễ hiểu trong bối cảnh khó khăn chung của lĩnh vực bất động sản. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HSC), dưới sự tác động của việc liên tục thắt chặt tín dụng vào bất động sản nên việc bàn giao sản phẩm của NVL nghiêm trọng hơn so với kỳ vọng của công ty chứng khoán này.

Doanh thu mảng tư vấn, cho thuê và thu nhập khác đạt 557 tỷ đồng, tăng 70,3% so với cùng kỳ và đóng góp 17% vào tổng doanh thu. Lợi nhuận gộp là 1.410 tỷ đồng, giảm 6,1% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận gộp gần như ổn định so với quý trước ở mức 43%, trong quý III/2021 con số này là 46%. Tỷ suất lợi nhuận gộp mảng bất động sản đạt 48%.

Trong kỳ, các khoản hỗ trợ không thường xuyên hỗ trợ lợi nhuận. Cụ thể, thu nhập tài chính đạt 1.573 tỷ đồng, tăng 48,5% so với cùng kỳ, nhưng giảm 4,7% so với quý trước, bao gồm khoản lãi 727 tỷ đồng từ việc bán cổ phần tại một số công ty con. HSC cho biết, các công ty con này đã tham gia phát triển dự án NovaBeach Cam Ranh với tổng diện tích ước tính 22,6 ha và tổng số tiền thu được là 4.5437 tỷ đồng. Thông tin đối tác mua dự án này không được tiết lộ. SHC cho rằng, nếu không có khoản mục không thường xuyên này, NVL sẽ lỗ trong quý này.

Chi phí tài chính trong quý III lên tới 1,4 nghìn tỷ đồng, tăng tới 76,9% so với cùng kỳ và 22,8% so với quý trước, chủ yếu là do lỗ tỷ giá trong kỳ tăng mạnh lên 448 tỷ đồng. Trong khi đó, quý III/2021, lỗ tỷ giá của doanh nghiệp không đáng kỷ. Với mức lỗ tỷ giá này đã tăng tới 70,7% so với quý trước. Tính đến cuối quý III/2022, dư nợ bằng đồng USD của NVL là 691 triệu USD, chiếm 24% tổng dư nợ. Theo đó, NVL sẽ tiếp tục đối diện với rủi ro đồng USD tăng giá.

Chi phí bán hàng và quản lý là 731 tỷ đồng, tăng 29,4% so với cùng kỳ, chủ yếu do chi phí bán hàng tăng, do tỷ lệ chi phí bán hàng/doanh thu của các sản phẩm thấp tầng thường cao hơn so với sản phẩm cao tầng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ của doanh nghiệp vẫn cao. Tỷ lệ nợ thuần/vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối quý III/2022 là 1,11 lần, gần như đi ngang so với quý trước và tăng so với mức 1,03 lần vào cuối quý IV/2022. HSC cho rằng, tỷ lệ nợ của NVL cao hơn đáng kể so với mức bình quân của các doanh nghiệp bất động sản, từ 0,2 – 04%, hiện vẫn đang ở mức không lành mạnh.

Thực tế, đến cuối quý III/2022, tổng dư nợ của NVL là 71,7 nghìn tỷ đồng, với 42% sẽ đáo hạn trong 12 tháng tới. Ban lãnh đạo công ty cho biết, khoản nợ phải trả sắp đến hạn sẽ được hỗ trợ một phần từ dòng tiền từ doanh số bán của dự án. Dòng tiền từ doanh số bán hàng đạt khoảng 25 nghìn tỷ đồng trong 3 quý và dự kiến sẽ tăng thêm 10 nghìn tỷ đồng trong quý IV. Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, doanh số bán hàng quý IV của doanh nghiệp có thể gặp nhiều thách thức do dư địa tăng trưởng tín dụng thấp và lãi suất tăng trong thời gian gần đây.

Sau hàng loạt chuỗi giảm giá, sáng nay 4/11, NVL tiếp tục giảm 7% xuống giá sàn 59.900 đồng/cổ phiếu và còn dư bán sàn hàng triệu đơn vị. Như vậy, tính từ chốt phiên giao dịch đầu năm 4/1, NVL đã giảm tới 34,6%..

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cũng cho biết về mặt tích cực, giá vật liệu xây dựng hạ nhiệt trong nửa cuối 2022, từ đó hỗ trợ đầu tư công cũng như giúp kìm hãm giá nhà. Tuy nhiên, nhu cầu mua nhà gặp thách thức, đà tăng giá hạ nhiệt nửa cuối 2022. Bất động sản gặp nhiều thách thức hơn những tháng cuối năm 2022 do lạm phát chi phí đẩy, lãi suất gia tăng và tín dụng hạn chế.

Công ty chứng khoán này cũng nhận thấy nhiều sóng gió hơn cơ hội trong 2023 đối với ngành bất động sản. Theo đó, ngành bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức gồm: Thắt chặt các khoản vay ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản và giám sát chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp; lãi suất tăng ảnh hưởng đến quyết định mua nhà. VNDIRECT tin rằng các nút thắt về pháp lý bất động sản nhà ở khó có những cải thiện đáng kể ít nhất đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) hoàn thành trong quý IV/2023./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục