Nữ nghệ nhân đầu tiên của làng tranh Đông Hồ

16:25' - 11/02/2016
BNEWS Trong số ít nghệ nhân còn tâm huyết giữ nghề ở làng tranh Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) có một người phụ nữ vẫn cần mẫn nối nghiệp cha ông. Đó là nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh.
Bà Nguyễn Thị Oanh - Nữ nghệ nhân đầu tiên của làng tranh Đông Hồ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bà là nghệ nhân nữ làng nghề đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh, người có hơn 40 năm tuổi nghề và là con dâu trưởng của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam. Trong những năm qua, bà đã góp phần làm phong phú thêm dòng tranh dân gian độc đáo của quê hương bằng nhiều sáng tác mới, phản ánh cuộc sống nông thôn thời hiện đại.

Nếp nhà cổ cũng là nơi sản xuất của gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh hàng tuần vẫn đều đặn đón các em học sinh xã Song Hồ đến tham quan, xem và nghe bà Oanh giới thiệu về dòng tranh dân gian Đông Hồ.

Những bản khắc gỗ, tô mực, giấy dó... sản phẩm để làm nên tờ tranh Đông Hồ, với các em không còn lạ lẫm nhưng cũng rất bỡ ngỡ. Bởi làng tranh giờ đây không còn nhiều người giữ nghề, cũng không còn nhiều người như bà Oanh ngày nối ngày mải mê với nét vẽ ngày xưa.

Với các em, được trò chuyện, tận mắt thấy từng dụng cụ, từng thao tác tỷ mẩn để tạo nên một bức tranh, càng khiến các em thêm yêu mến, tự hào về quê hương, về những thế hệ cha ông đã dày công gìn giữ giá trị văn hóa của quê hương.

Là người con gái làng tranh, gắn bó với nghề từ thuở ấu thơ, bà Oanh luôn cảm thấy hạnh phúc và tự hào khi được sống qua những năm tháng sôi động của làng nghề.

Hơn 30 năm về làm dâu nhà cụ Nguyễn Hữu Sam, một gia đình có truyền thống làm tranh nổi tiếng, bà Oanh đã học hỏi thêm nhiều kỹ thuật về tranh. Tình yêu của bà Oanh với dòng tranh quý cứ lớn dần lên theo năm tháng và qua từng nét bút, tờ tranh.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh chia sẻ: Nghề làm tranh ở Đông Hồ bây giờ không còn phát triển thịnh vượng như xưa, hầu hết hộ dân trong làng đã chuyển sang làm hàng mã. Song cả gia đình bà Oanh vẫn kiên trì gìn giữ lấy nghề với một suy nghĩ: Làng nghề tranh đã tồn tại mấy trăm năm, trở thành nét đặc trưng văn hóa Việt nên dù khó khăn vất vả đến đâu cũng sẽ truyền nghề cho con cháu để dòng tranh Đông Hồ giữ mãi được màu sắc của dân tộc.

Bức tranh đám cưới chuột của Đông Hồ nổi tiếng. Ảnh: TTXVN

Hơn 10 năm nay, sau khi tiếp nhận xưởng tranh của gia đình, bà Oanh luôn cố gắng để có những bản vẽ độc đáo và giá trị. Không những sản xuất tranh tại nhà, bà Oanh còn tích cực tham gia các cuộc triển lãm làng nghề truyền thống để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tranh Đông Hồ ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước.

Đúng vào dịp Bắc Ninh đón Bằng công nhận di tích Quốc gia đặc biệt chùa Dâu và chùa Bút Tháp, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh đã giới thiệu đến công chúng hai bức tranh chùa Bút Tháp và chùa Dâu, vẽ tay trên giấy dó khổ rộng.

Hai bức tranh này đã được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh trao Huy chương Vàng cho sản phẩm làng nghề truyền thống tiêu biểu của tỉnh. Tại lễ hội chọi trâu Bắc Ninh năm 2014, bà cũng đã tặng Ban Tổ chức 2 bức tranh để bán đấu giá tại lễ hội làm từ thiện ủng hỗ Quỹ vì người nghèo Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Ninh.

Đến nay, gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, Nguyễn Thị Oanh đã có 4 thế hệ chung sống dưới một mái nhà. Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh vẫn cần mẫn cùng cha, cùng chồng, con tỉ mẩn bên cây bút, bản khắc gỗ, làm nên những bức tranh để đời.

Ghi nhận những đóng góp của bà, danh hiệu "Nghệ nhân làng nghề Việt Nam" là phần thưởng cao quý cho bà, cho quê hương và càng vinh dự hơn khi bà là nữ nghệ nhân đầu tiên ở làng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục