Tìm lại thú chơi Tết dân gian xưa

07:47' - 09/02/2016
BNEWS Cứ vào dịp gần Tết Nguyên đán, đến làng Đông Hồ (hay còn gọi là làng Đông Khê), xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh luôn nhộn nhịp với cảnh người, xe qua lại tấp nập.
Đông Hồ hiện chỉ còn 3 gia đình trong làng giữ nghề truyền thống làm tranh dân gian Đông Hồ. Ảnh: TTXVN

Góp chung với sự tấp nập của sản xuất, mua bán vàng mã ngày nay, sản phẩm tranh Đông Hồ đang dần lấy lại chỗ đứng của mình xưa kia.

Đông Hồ hiện chỉ còn 3 gia đình trong làng giữ nghề truyền thống làm tranh dân gian Đông Hồ. Tại xưởng sản xuất của các gia đình trên vẫn còn cảnh các nhân công hối hả trạm gỗ, vẽ, in tranh để kịp xuất đi những lô hàng tranh phục vụ dịp Tết.

Theo ông Nguyễn Như Điều, Chủ tịch UBND xã Song Hồ, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được bảo tồn và lưu giữ hàng trăm năm qua. Cùng sự phát triển thăng trầm của làng nghề, hiện trong làng chỉ còn 3 gia đình lưu giữ và làm nghề gồm gia đình các ông Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Hữu Sam và Trần Nhật Tấn.

Mặc dù, làng nghề đã bị mai một nhiều, tuy nhiên những năm gần đây, thị hiếu của người dân dần quay về với yếu tố văn hóa truyền thống. Ngày nay, tranh Đông Hồ treo Tết đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với người dân Đông Hồ và đông đảo các du khách trong và ngoài nước.

Đến thăm nhà ông Nguyễn Đăng Chế, nghệ nhân đời thứ 20 theo nghiệp tranh của gia đình, gần chục nhân công mỗi người một công đoạn đang tất bật trạm gỗ, tạo màu, vẽ, in, phơi tranh… để phục vụ nhu cầu hàng Tết.

Trong xưởng sản xuất tranh khoảng 30 m2, vừa khéo léo tạo hình trau chuốt từng nét vẽ để hoàn thành đến công đoạn cuối cùng trong bức tranh “cá chép trông trăng” ông Nguyễn Đăng Chế tâm sự, ngày xưa chợ tranh họp 5 phiên trong tháng duy nhất của năm - tháng Chạp vào các ngày 6, 11, 16, 21, 26.

Vào thế kỷ XVI tranh Đông Hồ xuất hiện nhưng không ai thống kê hết được có bao nhiêu mẫu tranh mà chỉ biết gồm có 5 loại là tranh thờ, tranh lịch sử, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt và truyện tranh.

Ngày nay, thú chơi tranh Đông Hồ đã trở nên bão hòa ở tất cả những ngày trong năm. Tuy nhiên, những ngày giáp Tết, lượng khách đến thăm quan và mua tranh nhiều hơn hẳn. Mỗi ngày xưởng của ông đón hàng chục đoàn du khách trong và ngoài nước tới tham quan và mua tranh, đông vui, tấp nập từ sáng tới chiều tối.

"Vinh hoa, phú quý" là cặp tranh được ưa chuộng nhất trong dịp Tết. Ảnh: tranhdongho.bacninh.com

Để chuẩn bị lượng hàng tăng đột biến trong dịp Tết, mỗi ngày, gia đình ông Nguyễn Đăng Chế vừa vẽ vừa in hàng chục bức tranh lớn nhỏ. Những bức tranh được khách hàng ưa chuộng hơn hẳn là tranh “Vinh hoa, phú quý” hay những bức tranh tứ quý, tứ bình, “Vinh quy bái tổ”...

Tùy từng đối tượng mà có những lối chơi tranh riêng như: để chúc thọ các cụ cao niên, khách hàng thường mua tranh bát tiên; muốn cầu mong cho gia đình hạnh phúc, đầy đủ, may mắn sẽ chơi tranh “Vinh hoa, phú quý”, hoặc tìm hiểu văn hóa nông thôn thì treo tranh chăn trâu, thổi sáo; đặc biệt các bác nông dân thường chọn treo tranh đàn lợn, đàn gà ngày Tết với mong muốn cầu cho cuộc sống no đủ, chăn nuôi đầy đàn, hạnh phúc…

Theo ông Nguyễn Đăng Chế, trước kia tranh Đông Hồ được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại bỏ, dùng tranh mới.

Đến hẹn lại lên, cứ khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm là cả làng đã tất bật để chuẩn bị cho mùa tranh Tết. Khắp làng rực rỡ sắc màu của giấy điệp, không một mảnh đất trống nào không được người dân làng tận dụng để phơi giấy: từ sân nhà, sân đình, ven các ngõ xóm, đường làng, dọc theo triền đê cho đến các nóc nhà, nóc bếp…

Để hoàn thành một bức tranh, người làm tranh phải rất công phu, cẩn thận và thực hiện nhiều giai đoạn: sơn hồ lên giấy, phơi giấy cho khô hồ, quét điệp rồi lại phơi giấy cho khô lớp điệp, khi in tranh phải in từng màu lần lượt, nếu có 5 màu thì 5 lần in, mỗi lần in là một lần phơi…

Cứ như thế, từng lớp, từng lớp dưới ánh sáng mặt trời lấp lánh các hình ảnh, đường nét của cảnh sắc thiên nhiên, nếp sinh hoạt của người dân.

Giải thích về ý nghĩa của việc dùng màu sắc sao cho phù hợp với mỗi đề tài khác nhau, ông Nguyễn Đăng Chế cho biết, màu đỏ cho tranh đánh ghen để lột tả được cái nóng giận bực bội ngột ngạt của không khí lúc đó. Nền màu vàng cho cảnh vui tươi tràn ngập sắc xuân trên các bức tranh ngày Tết, nền màu hồng nhạt cho tranh làng quê yên bình...

Tranh tứ quý cũng được khá nhiều khách hàng chọn mua để biếu, tặng mỗi dịp Tết đến. Ảnh: tranhdongho.bacninh.com

Ông Chế cho biết thêm, hiện nay, gia đình ông có 200 loại tranh với tổng số hàng nghìn bức chuẩn bị nhu cầu dịp Tết. Ngoài những mặt hàng truyền thống như bộ tranh tứ quý, tứ bình, những năm gần đây, những bức tranh về chủ đề hiện đại với chủ đề kháng chiến chống Pháp, Mỹ, bảo vệ biên giới, biển đảo quê hương cũng thu hút sự quan tâm của rất nhiều khách hàng.

Đặc biệt, khoảng 3 năm trở lại đây, gia đình ông làm thêm những quyển lịch bằng tranh Đông Hồ. Từ tháng 10 đến nay, gia đình ông đã bán được hàng nghìn quyển, mỗi quyển có giá 150.000 đồng.

Sở dĩ tranh Đông Hồ có được sức sống lâu bền và sự cuốn hút đặc biệt với nhiều thế hệ người Việt cũng như du khách nước ngoài bởi những đề tài trên tranh phản ánh khá chân thực, sinh động và đậm chất cuộc sống mộc mạc, giản dị cũng như nét văn hóa truyền thống của người Việt.

Nói về sức hấp dẫn của tranh dân gian Đông Hồ, ông Chế  tâm sự, điều làm nên vẻ đẹp của tranh dân gian Đông Hồ bên cạnh những hình ảnh tươi vui, mang đậm những giá trị nhân văn sâu sắc của con người, văn hóa Việt Nam, tranh Đông Hồ còn được tô vẽ lên bởi những màu sắc từ nguyên liệu thiên nhiên như giấy dó được làm từ cây dó, màu trắng làm vỏ con điệp nghiền nát trộn với hồ nếp, màu đen được làm từ than tre, màu vàng được tạo ra từ hoa hòe, màu đỏ được lấy từ sỏi trên núi, màu xanh được lấy từ lá chàm…

Ánh mắt không dấu nổi niềm vui sướng, ông Chế vui vẻ nói, từ khi nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; được Thủ tướng Chính phủ đồng ý làm hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại cùng với đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến 2030”  với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng của UBND tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi lại có thêm hy vọng khôi phục và bảo tồn nghề truyền thống của ông cha.

Hiện nay, nhiều người tìm đến tranh dân gian Đông Hồ như tìm về nét đẹp truyền thống văn hóa xa xưa, mang hơi thở Tết cổ truyền Việt Nam.

Cách nhà ông Nguyễn Đăng Chế không xa là nhà ông Nguyễn Hữu Quả, con trai của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam mỗi ngày cũng có hàng chục đoàn khách tấp lập ra vào, trong xưởng lúc nào cũng vang lên tiếng lạch cạch của người thợ làm tranh khắc gỗ.

Điều này chứng tỏ tranh dân gian Đông Hồ đang dần lấy lại chỗ đứng trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục