“Nước cờ” mạo hiểm của Fed

16:11' - 08/09/2024
BNEWS Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang chuẩn bị cho một chiến dịch nới lỏng tiền tệ dự kiến sẽ diễn ra vào tháng này, trong bối cảnh lạm phát dần hạ nhiệt và thị trường lao động có dấu hiệu chậm lại.
Hiện tại, câu hỏi lớn đối với các nhà hoạch định chính sách là liệu việc hạ lãi suất với biên độ nhỏ có đủ để giúp nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng hay không.

 
* Một quyết định mạnh tay sẽ tiềm ẩn ít rủi ro hơn

Báo cáo việc làm hàng tháng công bố ngày 6/9 cho thấy tốc độ tuyển dụng tại Mỹ đã chậm lại trong ba tháng qua, đạt mức thấp nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020. Mặc dù vậy, những số liệu này vẫn khiến các nhà đầu tư hoài nghi về khả năng các quan chức Fed sẽ có một quyết định mạnh tay trong việc hạ lãi suất tại cuộc họp ngày 17-18/9 tới.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã thể hiện sự cởi mở với việc cắt giảm mạnh tay để đảm bảo Fed không chậm trễ so với xu hướng chung toàn cầu, nhưng các quan chức khác vẫn "do dự về việc cắt giảm 0,25 điểm phần trăm", theo nhà kinh tế trưởng Diane Swonk tại KPMG. Theo chuyên gia Swonk, rủi ro là rất cao. Trước đây, Fed đã mắc sai lầm khi hành động quá muộn và bỏ lỡ cơ hội dập tắt lạm phát đang tăng cao. Kết quả là nước Mỹ đã trải qua đợt lạm phát tồi tệ nhất kể từ đầu những năm 1980, làm suy yếu sức mua của các hộ gia đình.

Nếu Fed tiếp tục hành động quá chậm, họ có thể đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao và khiến nền kinh tế đối diện nguy cơ suy thoái. "Ông Powell cần suy nghĩ về di sản của mình ngay bây giờ và phải thực hiện thành công cú 'hạ cánh mềm' này", bà Swonk cho biết.

Lựa chọn mà các quan chức Fed phải đối mặt về lãi suất - giữa việc bắt đầu nới lỏng dần dần hay cắt giảm mạnh tay ngay từ đầu - chắc chắn sẽ gây tranh cãi. Đây cũng là điều thường xảy ra khi chính sách tiền tệ có sự đảo chiều. Trong bối cảnh hầu hết các chỉ số kinh tế đều cho thấy xu hướng giảm, một số chuyên gia kinh tế cho rằng một cách tiếp cận thận trọng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là hành động quyết liệt.

Tình trạng thất nghiệp gia tăng có thể trở thành một vấn đề dài hạn nếu người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, khiến nhiều công ty phải sa thải nhân viên. Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng gần 1% so với mức thấp của năm ngoái, tạo ra một chỉ báo suy thoái phổ biến được gọi là "quy tắc Sahm". Được nhà kinh tế học Claudia Sahm đưa ra vào năm 2019, quy tắc Sahm chỉ ra rằng, khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình 3 tháng của Mỹ tăng 0,5 điểm phần trăm so với mức thấp nhất của 12 tháng trước đó, kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái.

* Nhưng Fed lại muốn “chậm mà chắc”

Thị trường tài chính Mỹ đã bị xáo trộn vào ngày 6/9 sau khi báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ được công bố, khiến các nhà đầu tư dự đoán khả năng Fed sẽ cắt giảm đến 50 điểm cơ bản. Tuy nhiên, thành viên của Hội đồng Thống đốc Fed Christopher Waller đã phủ nhận điều này, cho rằng Fed cần nhiều dữ liệu kinh tế hơn để đưa ra quyết định. "Fed có xu hướng chậm mà chắc", nhà kinh tế Stephen Juneau tại Bank of America cho biết. Theo ông, trong bối cảnh các chỉ số kinh tế vẫn đang duy trì tốt, Fed không muốn gửi tín hiệu sai đến thị trường.

Fed được dự báo sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản trong tháng này và thêm hai lần hạ, mỗi lần 50 điểm cơ bản, trong các cuộc họp vào tháng 11 và tháng 12 tới. Khi đó, lãi suất chuẩn mực của ngân hàng trung ương sẽ ở mức 4-4,25% - cao hơn nhiều so với mức mà hầu hết các quan chức Fed coi là "trung lập", qua đó duy trì áp lực lên hoạt động kinh tế.

Một số quan chức Fed đã ra tín hiệu trong những tuần gần đây rằng họ lo ngại về rủi ro lạm phát tăng nếu lãi suất được cắt giảm quá nhanh và gây ra cú sốc cho hoạt động kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách cho rằng làn sóng sa thải nhân công vẫn ở mức thấp mặc dù việc tuyển dụng đang chậm lại.

"Lịch sử cho thấy việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm là một ‘nước cờ’ nguy hiểm có thể khơi dậy và duy trì lạm phát trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm", Chủ tịch Fed tại Atlanta Raphael Bostic cho biết trong một bài viết công bố ngày 4/9.

Đối với ông Powell, sự chậm lại của thị trường lao động có thể làm đảo lộn những gì cho đến nay vẫn được coi là kỳ tích đáng chú ý của Fed. Vào năm 2022 và 2023, Fed đã bắt đầu chu kỳ thắt chặt mạnh mẽ nhất trong bốn thập kỷ nhằm kiềm chế lạm phát. Việc đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu mà không gây ra suy thoái là một thành tựu hiếm có.

Tuy nhiên, giờ đây Fed đang phải đối diện với quá trình “bình thường hóa” nền kinh tế, và điều này phụ thuộc vào những quyết định về lãi suất sắp tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục