Nước mắm Phú Quốc gặp khó

11:49' - 29/08/2022
BNEWS Từ đầu năm đến nay, sản xuất nước mắm của Kiên Giang, trong đó có Phú Quốc gặp nhiều khó khăn cần những tháo gỡ để thúc đẩy phát triển nghề truyền thống này.

Nghề sản xuất nước mắm của tỉnh Kiên Giang tập trung ở hai thành phố Rạch Giá, Phú Quốc và huyện đảo Kiên Hải; trong đó, nước mắm Phú Quốc nổi tiếng được khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Từ đầu năm đến nay, sản xuất nước mắm của Kiên Giang gặp nhiều khó khăn cần những tháo gỡ để thúc đẩy phát triển nghề truyền thống này.

Theo Cục thống kê Kiên Giang, năm 2022, tỉnh đề ra kế hoạch sản xuất 63,4 triệu lít nước mắm và 8 tháng năm nay, ước sản xuất hơn 35,6 triệu lít, đạt 56,2% kế hoạch, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại thành phố Phú Quốc, hoạt động sản xuất kinh doanh của các “nhà thùng” gặp khó khăn do thiếu nguồn nguyên liệu cá cơm để ủ theo quy trình truyền thống sản xuất nước mắm, không tiêu thụ được sản phẩm, nhất là nước mắm nguyên liệu thô nên không tái sản xuất kịp thời. Tiếp đến, giá xăng dầu tăng cao làm tăng chi phí đánh bắt cá cơm, ngư dân hạn chế ra biển khai thác, dẫn đến giá nguyên liệu cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất nước mắm trên đảo.

Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội sản xuất nước mắm thành phố Phú Quốc cho biết, sản phẩm nước mắm của các hội viên chủ yếu bán dạng nguyên liệu thô (đóng can) cho các đơn vị trung gian. Họ thu mua rồi bán lại cho các công ty lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 90% sản lượng, còn lại một số hội viên đóng chai tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tình hình tiêu thụ nước mắm hơn 20 năm của hội viên chưa bao giờ bị đình trệ như hiện nay, đặc biệt từ đầu năm 2022 đến nay, phần lớn sản lượng nước mắm của hội viên hầu như không tiêu thụ được.

“Nguyên nhân, các công ty lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đủ nguồn nguyên liệu nước mắm thô để chế biến nên không mua của các đơn vị trung gian dẫn đến các đơn vị này cũng không mua nước mắm Phú Quốc làm nguyên liệu sản xuất chế biến. Mặt khác, do ảnh hưởng tình hình dịch COVID-19 đã làm giảm sức mua của người tiêu dùng từ 20 - 30%.

Vì vậy, từ đầu năm đến nay, sản lượng nước mắm Phú Quốc dạng nguyên liệu thô không tiêu thụ được, còn nước mắm đóng chai thành phẩm giảm từ 20 – 25% làm cho các doanh nghiệp hội viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc tái sản xuất kinh doanh.”- Bà Liên cho biết thêm.

Được biết, nước mắm Phú Quốc đã được Liên minh Châu Âu (EU) bảo hộ chỉ dẫn địa lý, các cơ quan chức năng tỉnh đã phối hợp với Hội sản xuất nước mắm thành phố Phú Quốc không ngừng thay đổi cách vận hành, triển khai thực hiện để bảo vệ sản phẩm nước mắm đã được EU bảo hộ. Mặt khác, các “nhà thùng” hội viên nâng cao nhận thức về giá trị của sản phẩm chỉ dẫn địa lý, mạnh dạn đầu tư nâng cấp trang thiết bị, kỹ thuật để đóng chai sản phẩm sản phẩm nước mắm, từng bước hạn chế, giảm bán nguyên liệu thô.

Các “nhà thùng” đoàn kết, hỗ trợ nắm bắt thông tin trao đổi để cùng nhau phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định và phát huy nghề truyền thống của gia đình để lại, góp phần tôn tạo giá trị văn hóa bản địa của đảo ngọc Phú Quốc. Một số doanh nghiệp sản xuất nước mắm triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo chương trình hỗ trợ khuyến công của Nhà nước.

Nhằm thúc đẩy phát triển nghề sản xuất nước mắm truyền thống, những tháng cuối năm 2022 và trong thời gian tới, UBND thành phố Phú Quốc cùng với Hội sản xuất nước mắm triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Nhà nước; theo đó, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Cụ thể là tích cực xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước để tiêu thụ nước mắm Phú Quốc; tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân khai thác, ổn định nguồn nguyên liệu cá cơm phục vụ sản xuất nước mắm chỉ dẫn địa lý gắn với thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ nguồn lợi cá cơm trên ngư trường.

Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội sản xuất nước mắm thành phố Phú Quốc cho hay, nghề nước mắm truyền thống Phú Quốc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản phi vật thể cấp quốc gia. Theo đó, đảo ngọc tiếp tục kiến nghị tỉnh đề xuất trình UNESCO công nhận “Nghề truyền thống chế biến nước mắm Phú Quốc” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Cùng với đó, Hội đề xuất các cấp lãnh đạo giao cho Hội quỹ đất sạch để hội viên yên tâm sản xuất; xây dựng bảo tàng nghề nước mắm truyền thống Phú Quốc và kinh doanh nước mắm tập trung của toàn thể hội viên cho khách du lịch tham quan, mua nước mắm. Bởi, nước mắm Phú Quốc là sản phẩm du lịch đặc trưng truyền thống của địa phương, quảng bá sản phẩm để phát triển bền vững.

Thành phố Phú Quốc tiếp tục triển khai thực hiện tốt, quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm, tăng cường xúc tiến thương mại, giữ vững ổn định thị trường xuất khẩu nước mắm vào EU…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục