Mở rộng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm nước mắm

17:14' - 24/06/2022
BNEWS Nước mắm hiện không chỉ phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới, mở ra cánh cửa quảng bá văn hóa, ẩm thực Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Tại hội thảo đẩy mạnh xuất khẩu nước mắm – định hướng và giải pháp do Hiệp hội Nước mắm Việt Nam tổ chức chiều 24/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu, để phát huy tiềm năng ngành hàng nước mắm, các cơ sở sản xuất cần nghiên cứu thị hiếu, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, đảm bảo đầy đủ hồ sơ truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm của các thị trường để từ đó, xây dựng thương hiệu quốc gia cho nước mắm Việt Nam.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, cả nước có hơn 4.200 cơ sở tham gia sản xuất nước mắm với sản lượng trung bình trong năm 2020 đạt gần 380 triệu lít. Nước mắm hiện không chỉ phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới, mở ra cánh cửa quảng bá văn hóa, ẩm thực Việt Nam với bạn bè quốc tế, mang lại lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp.

Nhiều thương hiệu nước mắm của Việt Nam còn được các đầu bếp trên thế giới dùng để pha chế thành các loại nước chấm hoặc làm gia vị cho các món ăn.

Xuất khẩu nước mắm bình quân cả nước hiện mới đạt khoảng 12,6% so với tổng sản lượng. Tổng kim ngạch xuất khẩu nước mắm năm 2021 đạt 28,53 triệu USD, chủ yếu là thị trường châu Á, tiếp đến là châu Mỹ, châu Âu...

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, tuy giá trị xuất nước mắm còn hạn chế nhưng việc có doanh nghiệp xuất khẩu nước mắm vào thị trường EU đã minh chứng, những điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm của thị trường này đã vượt qua thì chắc chắn với các thị trường khác, nước mắm Việt Nam sẽ đáp ứng được.

Ngoài phương pháp sản xuất truyền thống và mang đặc trưng của các vùng miền, các phương pháp sản xuất được cải tiến, ứng dụng công nghệ đang phát triển mạnh mẽ nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh trong sản xuất, đáp ứng khẩu vị cũng như tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cả về số lượng và chất lượng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, các cơ sở chế biến nước mắm cần tổ chức các đội tàu chuyên khai thác cá làm mắm, ướp muối ngay trên tàu để đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến nước mắm.

Các cơ sở sản xuất cũng nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, dụng cụ chứa đựng trong quá trình sản xuất, chế biến nước mắm. Đồng thời, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm trong sản xuất nước mắm.

Doanh nghiệp quan tâm hơn nữa đến bao bì, nhãn mác sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu nước mắm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP…

 

Ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam chia sẻ, hiệp hội mong muốn phát triển ngành hàng nước mắm giống như ngành hàng rượu vang của một số nước trên thế giới. Ở đó, có sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa khoa học và truyền thống, giữa tinh hoa lâu đời và thước đo công nghệ chính xác để cho ra hàng triệu chai nước mắm ngon có chất lượng đồng nhất và phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng ở nhiều thị trường.

Theo GS.TS Lưu Duẩn, Trưởng Ban tư vấn Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, việc đẩy mạnh xuất khẩu nước mắm cần sự hợp sức của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam cũng như các cá nhân, nhà khoa học trong việc kết nối và tìm ra các giải pháp mang tính thực tiễn.

Các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nước mắm cần đầu tư kinh phí nhiều hơn nữa để thay đổi công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như HARPC, HACCP, ISO 22000… nhằm đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu đi các thị trường như: Mỹ, Australia, châu Âu… Bên cạnh đó, các đơn vị cần đầu tư, nghiên cứu đa dạng mẫu mã, bao bì cho sản phẩm sang trọng, tiện lợi, hấp dẫn hơn.

Hiệp hội Nước mắm Việt Nam sẽ phối hợp với Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam trong Đề án xây dựng và phát triển các món ăn thuần Việt thành thương hiệu quốc gia nhằm giúp nước mắm, các sản phẩm chế biến từ nước mắm, các thương hiệu nước mắm có vị trí xứng đáng. Hai hiệp hội nghiên cứu lên kế hoạch tổ chức các Lễ hội nước mắm để giới thiệu “dòng chảy” văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Việt tới khách du lịch quốc tế đến Việt Nam./.

>>>Nguồn nguyên liệu cá để sản xuất nước mắm đang có dấu hiệu suy giảm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục