Nuốt phải dị vật, có nên tự sơ cứu?

09:17' - 03/07/2017
BNEWS Khi không may trẻ nuốt phải dị vật, nguy cơ cao nhất có thể gặp phải là tử vong hoặc bị chết não do dị vật chèn kín đường thở. Cha mẹ nên xử lý ra sao? Có nên tự sơ cứu tại nhà hay không?

Nuốt phải dị vật là một trong những nguy cơ trẻ thường gặp vào dịp nghỉ hè. Trong trường hợp trẻ không may bị nuốt phải dị vật, gia đình cần khẩn trương đưa các em đến cơ sở y tế tốt nhất gần khu vực sinh sống để xử lý, tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra.

Thạc sĩ Trần Minh Cảnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết: Những dị vật trẻ nhỏ thường nuốt phải là đồ vật có bán kính dưới 2cm. Khi không may trẻ nuốt phải dị vật, nguy cơ cao nhất có thể gặp phải là tử vong hoặc bị chết não do dị vật chèn kín đường thở. Dị vật còn có thể gây các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm ổ bụng.

Hai nguyên nhân chính khiến trẻ bị dị vật đường thở là do ăn uống và vui chơi. Khi ăn trẻ em có thể bị hóc xương, bị các loại hạt trong các loại quả như quất hồng bì, vải, nhãn hoặc hạt lạc trôi vào đường thở. Khi vui chơi, trẻ có thể sử dụng những vật nhọn, vật tròn nhỏ ngậm trong miệng và lúc lơ đễnh, các dị vật sẽ bị trôi vào bên trong cơ thể.

Thạc sĩ, Bác sĩ Đào Mộng Long, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cảnh báo: Thời gian qua, một số trẻ nhỏ nuốt phải loại pin nhỏ bằng cúc áo trong đồ chơi. Ngoài việc gây tắc đường thở, pin gặp nước còn gây xung điện, gây bỏng nặng vị trí pin bị tắc. Các axit trong pin tiết ra nếu không xử lý kịp thời có thể gây thủng thực quản.

Số lượng trẻ em nuốt phải dị vật trung bình mỗi năm chỉ từ 15-20 trường hợp, nhưng những biến chứng để lại rất nặng nề nếu không được cấp cứu kịp thời. Độ tuổi nhiễm dị vật thường là trẻ từ 2-4 tuổi, song cũng có những trường hợp trong độ tuổi học tiểu học, có cháu 10 tuổi nhưng vẫn nuốt phải kim, ốc vít do khi chơi đùa, các cháu giơ các đồ vật lên cao và bị tuột tay.

Trong trường hợp trẻ bị nuốt phải dị vật, người thân cần khẩn trương đưa trẻ tới cơ sở y tế tốt nhất, không nên tự sơ cứu, tránh để dị vật trôi đến các vị trí nguy hiểm. Nếu nhìn thấy trẻ nhỏ ngậm dị vật, người nhà phải bình tĩnh để tiếp cận trẻ, không nên làm trẻ giật mình, khóc to, cười to để dị vật trôi sâu vào trong cơ thể.

Tại cơ sở y tế, các bác sĩ sẽ khám, chẩn đoán và tiến hành xử lý dị vật thông qua ống nội soi./.

>>> Điều buộc phải biết để cứu trẻ ngưng tim, ngưng thở do hóc dị vật

>>> Những sai lầm tai hại khi xử lý côn trùng bay vào miệng trẻ

>>> Cứu sống cháu bé 1 tuổi bị dị vật đâm thủng thực quản

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục