Ô nhiễm không khí có thể làm giảm tuổi thọ trung bình của người dân Thái Lan

07:00' - 20/09/2023
BNEWS Chỉ số chất lượng không khí với cuộc sống (AQLI) cho thấy hơn 90% dân số ở Thái Lan đang sống trong điều kiện chất lượng không khí thấp hơn tiêu chuẩn an toàn do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt ra.

Phóng viên TTXVN tại Bangkok dẫn Chỉ số chất lượng không khí với cuộc sống (AQLI), do Viện Chính sách năng lượng tại Đại học Chicago (EPIC) của Mỹ công bố, cho thấy hơn 90% dân số ở Thái Lan đang sống trong điều kiện chất lượng không khí thấp hơn tiêu chuẩn an toàn do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt ra. Tình trạng này có thể khiến tuổi thọ trung bình của người Thái Lan giảm 1,8 năm.

 

WHO quy định nồng độ bụi mịn PM 2.5 không vượt quá 50 microgam/1 m3 không khí là mức an toàn. Theo Bộ Công nghiệp Thái Lan, ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi mịn PM2.5, chủ yếu xuất phát từ hoạt động đốt rừng hoặc cây trồng, đặc biệt là cây mía, ảnh hưởng đến khoảng 44 triệu người ở Thái Lan mỗi năm. Việc tiếp xúc lâu dài với bụi mịn sẽ khiến người dân có thể mắc phải các bệnh mãn tính bao gồm các vấn đề về phổi và tim.

Tập quán canh tác của nông dân Thái Lan là thường đốt bỏ gốc cây sau khi thu hoạch. Phương pháp này tuy tiết kiệm chi phí nhưng lại tác động xấu đến môi trường.

Chính phủ Thái Lan đã đề ra các biện pháp giải quyết vấn đề bụi mịn kể từ năm 2019, trong đó có cả quy định bắt giữ những nông dân bị phát hiện đốt cây trồng sau thu hoạch.

Theo Bộ Công nghiệp Thái Lan, đốt cây trồng không chỉ là bất hợp pháp mà còn gây ra gánh nặng cho xã hội khi khói gây ô nhiễm không khí có thể tồn tại trong bầu khí quyển phía trên các khu vực đông dân cư tới 6 tháng.

Bộ này cho biết các khu vực bị ảnh hưởng bao gồm miền Bắc, Đông Bắc, miền Đông và miền Trung bao gồm khu vực đô thị Bangkok, nơi có tổng dân số khoảng 44 triệu người.

Để giúp nông dân trồng mía giảm bớt gánh nặng tài chính, Bộ Công nghiệp đã cung cấp khoản trợ cấp 120 baht (3,4 USD)/tấn sản lượng để thuê lao động hoặc mua thiết bị máy móc hỗ trợ dọn gốc cây sau thu hoạch một cách hợp lý và sạch sẽ. Cho đến nay, Chính phủ Thái Lan đã giải ngân khoảng 14,38 tỷ baht (khoảng 410 triệu USD) cho chương trình này.

Bên cạnh đó, Bộ Công nghiệp cũng hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ hiện đại trong thu hoạch mía để giảm nhu cầu đốt gốc cây sau thu hoạch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục