Ô nhiễm và suy thoái môi trường biển: Khuyến nghị các giải pháp

05:32' - 05/09/2016
BNEWS Môi trường sinh thoái biển đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm trầm trọng. Vậy cần những giải pháp gì để khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đảm bảo phát triển bền vững.
Đoàn viên thanh niên và du khách quốc tế tham gia dọn rác dọc bờ biển của thành phố Tuy Hòa nhân “Ngày vì môi trường xanh – sạch – đẹp”. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN

Để khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, phát triển bền vững đất nước, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Cư, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, trước hết phải hoàn thiện khung thể chế quản lý biển.

Theo đó, việc hoàn thiện pháp luật về biển cần được gắn kết với hệ thống quản lý môi trường biển mới, nhằm đảm bảo tính thống nhất xuyên suốt, thúc đẩy công tác trao đổi thông tin và dữ liệu, đạt được hiệu quả cao trong công tác qui hoạch phát triển bền vững biển. 

Một trong những phương thức hiệu quả nhất bảo vệ môi trường sinh thái biển là xây dựng các khu bảo tồn biển theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học cả nước, phấn đấu đến năm 2020 có thêm 41 khu bảo tồn biển. Nhưng để thiết lập và phát triển bền vững các khu bảo tồn là một bài toán nan giải.

Chính vì thế, việc bảo vệ môi trường biển, bảo vệ đa dạng sinh học là vấn đề cấp bách cần được chú trọng hiện nay. 

Các lực lượng tại Đà Nẵng phối hợp  diễn tập dập lửa tại khu vực xảy ra sự cố tràn dầu gây cháy nổ tại buổi diễn tập. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm biển có nguồn gốc từ biển và từ đất liền, phải ngăn chặn được tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng tại các điểm, khu vực, vùng bị ô nhiễm và suy thoái nặng ở các lưu vực sông, các khu, cụm công nghiệp ven biển; đồng thời chú trọng công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm đối với các hoạt động du lịch, hàng hải, khoan, thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí, khai thác khoáng sản, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, thải đổ bùn nạo vét luồng giao thông thủy, công trình biển… tại 28 tỉnh, thành phố có biển. 

Các nhà khoa học thuộc Viện Tài nguyên và Môi trường biển cho rằng, phương thức quản lý nguồn lợi biển dựa trên cơ sở cộng đồng đã được áp dụng tại một số địa phương có biển như Ninh Bình, Nam Định, Kiên Giang… là phương thức hiệu quả, ít tốn kém để duy trì và quản lý nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học và đáp ứng các mục tiêu bảo tồn khác, cũng như nhu cầu sinh kế của con người.

Thông qua mô hình này, cộng đồng địa phương ven biển được trao quyền cụ thể, có kiểm soát trong việc quản lý các nguồn lợi ven biển. Điều này đã tăng cường sự chủ động, thúc đẩy sự tham gia tích cực hơn của cộng đồng, cùng chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong việc quản lý và bảo tồn hiệu quả các nguồn lợi biển. 

Bên cạnh việc xây dựng các công trình kỹ thuật, cơ sở hạ tầng như xây tường bảo vệ bờ biển, đê, kè sông, kè biển, xây dựng kênh mương kiểm soát lũ lụt… để phòng tránh, giảm thiệt hại do thiên tai, thảm họa gây ra, cần chú trọng các giải pháp sinh học, phi công trình như tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên ven biển nhằm tạo vùng đệm vững chắc, giúp giảm nhẹ thiệt hại, nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu cho người dân ven biển. 

Để cộng đồng hiểu rõ và quan tâm hơn đến biển, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về chính sách, pháp luật liên quan đến khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển phải được chú ý đẩy mạnh.

Mặt khác, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển, hợp tác quốc tế song phương và đa phương về biển, nhất là các lĩnh vực chủ yếu liên quan về khoa học kỹ thuật biển, điều tra biển, cứu nạn trên biển, phòng tránh thảm họa, đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực liên quan đến biển, cùng nhau hướng tới việc khai thác hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển bền vững trong khu vực và trên thế giới./. 

>>> Nguy cơ ô nhiễm trầm trọng môi trường sinh thái biển

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục