Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường ở miền Trung phải công khai, minh bạch

22:15' - 31/08/2016
BNEWS Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết Bộ đã hướng dẫn các địa phương kê khai, tính toán thiệt hại để bồi thường, hỗ trợ cho người dân.
Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường ở miền Trung phải công khai, minh bạch. Ảnh: Võ Dung - TTXVN

Chiều 31/8, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016 dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn. 

Tại đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông tin những nội dung chính phiên họp thường kỳ tháng 8/2016 của Chính phủ, cho biết Chính phủ mới đặc biệt quan tâm của tới công tác xây dựng thể chế, ban hành Nghị định quy chế làm việc mới của Chính phủ, tiến hành kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng tại các bộ, ngành địa phương trên tinh thần "nói đi đôi với làm";... Chủ đề của phiên họp Chính phủ tháng 8/2016 là sử dụng tiết kiệm tài sản công, trong đó có sử dụng ngân sách nhà nước, mua sắm công,.... 

Tại buổi họp báo, trả lời về việc cổ phần hóa, bán vốn nhà nước trong hai doanh nghiệp là Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Chủ trương cổ phần hóa là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước. Sau khi cổ phần hóa, yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải niêm yết trên sàn chứng khoán. Thủ tướng đã chỉ đạo Sabeco và Habeco phải niêm yết trên sàn chứng khoán, có giao dịch trên sàn và lấy giá giao dịch đó để dẫn chiếu, nghiên cứu thêm, công khai, minh bạch tài chính, khả năng bán và sức mua của các doanh nghiệp. Niêm yết là việc bắt buộc. Hiện hai doanh nghiệp này chưa niêm yết là không thực hiện đúng tinh thần Thủ tướng. 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 29/8 vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo việc thoái vốn tại Habeco và Sabeco phải thực hiện công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, tránh hiện tượng lợi ích nhóm trong quá trình thoái vốn, gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước và cổ đông. Tiến hành niêm yết cổ phiếu của hai đơn vị trước khi thực hiện việc thoái vốn, tổ chức thuê tư vấn để thẩm định giá trị cổ phiếu của hai công ty này, làm căn cứ thoái vốn theo quy định, đảm bảo tính chính xác và minh bạch. 

Hiện Nhà nước đang nắm giữ 81,79% vốn điều lệ tại Habeco và 89,59% vốn điều lệ tại Sabeco. Bộ Công Thương đã trình lộ trình thoái vốn của từng doanh nghiệp. Với Habeco sẽ thoái toàn bộ vốn thuộc sở hữu Nhà nước tương đương 9.000 tỷ đồng trong năm 2016 và Sabeco, do quy mô lớn, sẽ thực hiện theo lộ trình, đợt 1 là 53,59% tương đương với 24.000 tỷ đồng trong năm 2016 và đợt 2 bán 36% vốn điều lệ còn lại, tương đương với 16.000 tỷ đồng trong năm 2017, sau khi Sabeco thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán. Sẽ thuê đơn vị tư vấn độc lập có kinh nghiệm, có thể là tư vấn nước ngoài để thẩm định giá cổ phiếu của Sabeco và Habeco thời điểm bán để làm căn cứ công bố giá khởi điểm trước khi thực hiện đấu giá. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có thể tham gia đấu giá. Bộ Công Thương đã chỉ đạo Habeco và Sabeco niêm yết cổ phiếu theo quy định. Bộ sẽ triển khai các công việc thoái vốn, tổ chức thoái vốn theo đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường. 

*Ô nhiễm không khí từ bãi rác Đa Phước 

Trả lời báo giới về việc ô nhiễm không khí tại một số huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, chủ yếu là do hoạt động của khu liên hiệp xử lý rác Đa Phước, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đang xem xét, đánh giá rất kỹ, đặc biệt là công nghệ xử lý rác thải. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện hạng mục liên quan đến xử lý nước rác là bể chứa chưa hoàn thành. Quá trình xử lý rác liên quan đến quy trình nhận rác, xử lý mùi, xử lý chế phẩm sinh học chưa hợp lý. Vấn đề quan trọng là phải thu được các khí phân hủy từ rác và thu gom được toàn bộ nước rác. Bộ giao Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố kiểm tra và có giải pháp đề xuất cụ thể. 

Quan điểm của Bộ là việc xử lý chôn lấp vẫn phải chấp nhận. Tuy nhiên công nghệ này không triệt để, không giải quyết hoàn toàn bài toán về môi trường. Trong điều kiện đất đai hạn chế hiện nay, công nghệ chôn lấp là giải pháp mang tính chất trước mắt. Cần phải đánh giá kỹ khu liên hiệp xử lý rác Đa Phước đã áp dụng đầy đủ quy trình chưa. Bộ trưởng cho rằng, bài toán xử lý chất thải cần được tính toán quy hoạch theo vùng, ở tầm nhìn xa và rộng hơn, có cơ chế phối hợp với các địa phương khác để quy hoạch có tầm nhìn dài hạn. Bài toán lâu dài và quan trọng là phải áp dụng công nghệ thiêu đốt mới giải quyết được vấn đề môi trường. 

Còn theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu, theo Luật đầu tư năm 2005, các địa phương phải quyết định cấp phép đầu tư sau khi đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật, Bộ Kế hoạch Đầu tư khoogn can thiệp. 

*Hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh miền Trung 

Một vấn đề báo giới quan tâm được đại diện các bộ, ngành giải đáp tại cuộc họp báo đó là việc thống kê thiệt hại để bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân của 4 tỉnh miền Trung. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết Bộ đã hướng dẫn các địa phương kê khai, tính toán thiệt hại để bồi thường, hỗ trợ cho người dân. Bộ cũng tổ chức các đoàn xuống địa phương lắng nghe góp ý từng điều khoản để triển khai xuống cơ sở, hướng dẫn kê khai thiệt hại của từng tổ chức, cá nhân và niêm yết công khai, minh bạch kết quả kê khai. Các tỉnh nhất trí cao với văn bản hướng dẫn của Bộ.

Tuy nhiên, do liên quan đến nhiều thủ tục nên các địa phương đã đề nghị lùi thời hạn báo cáo Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Trương Hòa bình đã đồng ý lùi thời hạn báo cáo đến ngày 15/9, giao Bộ Tài chính tổng hợp toàn bộ kiến nghị bồi thường thiệt hại của các địa phương để cuối tháng 9/2016, Thủ tướng sẽ ký quyết định công bố việc bồi thường cho từng địa phương. Việc triển khai bồi thường, hỗ trợ cho người dân, tổ chức sẽ tiến hành sau đó. 

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng cho hay còn rất nhiều thủ tục liên quan đến việc tính toán đơn giá, thống kê, tính định mức của từng địa phương, tham mưu cho Chính phủ có định mức chung cho 4 tỉnh…Đây là quy trình bắt buộc và nhiều thủ tục phức tạp, không lường hết được nên vấn đề quan trọng không phải nhanh hay chậm mà phải đảm bảo những tổ chức, cá nhân, đặc biệt là những tổ chức, cá nhân bị thiệt hại trực tiếp do môi trường biển phải được kê khai, xác định không sót đối tượng nào, những thiệt hại đều phải được bồi thường, hỗ trợ đúng theo quy định và đảm bảo công khai, minh bạch. 

Cũng liên quan đến sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, hiện còn gần 4.000 tấn cá đông lạnh đang lưu trữ tại các kho lạnh của các tỉnh. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Bộ đã ban hành văn bản hướng dẫn các tỉnh, nguyên tắc của Bộ là đảm bảo sức khỏe lên hàng đầu. Bộ đề nghị các tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan phân lô tất cả các kho cá. Trên cơ sở phân lô các kho, Bộ tiến hành lấy mẫu chuyển cho phòng xét nghiệm quốc gia, chỉ cho phép lưu hành lô cá nào được xác nhận là an toàn. Lô nào không an toàn phải tiêu hủy và đền bù theo quy định hiện hành. Đây là việc làm khó khăn và mất nhiều thời gian. 

Trả lời về vấn đề ngân hàng từ chối cho ngư dân vay đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết dư nợ thực tế cho vay đóng tàu là 4.288 tỷ đồng. Có một số trường hợp chủ tàu ở Hà Tĩnh bị từ chối cho vay là trong quá trình đánh giá, thẩm tra phương án vay vốn cho thấy khả năng thu hồi vốn của người vay không khả thi. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn đã yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo UBND tỉnh cụ thể. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tích cực phối hợp xem xét vấn đề này. 

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến những thua lỗ của Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và việc thuyên chuyển đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Bộ Nội vụ được Thủ tướng giao rà soát toàn bộ quy trình thuyên chuyển công tác và bổ nhiệm ông Thanh nhưng hiện chưa có báo cáo chính thức. Các cơ quan của Đảng và các cơ quan pháp luật đã vào cuộc đồng bộ. 

Về việc số người nhập cư trở lại có quốc tịch Việt Nam là rất ít (năm 2015 có 29 người) trong khi số xin thôi quốc tịch Việt Nam nhiều hơn rất nhiều (lên đến gần 4.000 người), Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định việc xin nhập, thôi và xin trở lại quốc tịch Việt Nam là quyền của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý yêu cầu này của công dân, giải quyết theo luật định. Theo thống kê, đa số trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài chủ yếu là các cô dâu lấy chồng nước ngoài.

Tuy nhiên so với con số mỗi năm có hàng vạn người Việt Nam lấy chồng nước ngoài, số xin thôi quốc tịch này là không nhiều. Gần đây, có trường hợp công dân là doanh nhân, chủ doanh nghiệp xin nhập quốc tịch nước ngoài mà vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo rà soát lại việc thực hiện pháp luật về quốc tịch, trong đó có quy định việc nhập, xin thôi và xin trở lại quốc tịch Việt Nam. Sau rà soát, tổng kết, nếu cần sẽ tiếp tục điều chỉnh hoàn thiện các quy định về Luật Quốc tịch./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục