Ô tô Trung Quốc tăng tốc để chiếm lĩnh thị trường Mexico

09:04' - 06/10/2022
BNEWS Sau thành công ở các thị trường Mỹ Latinh khác như Chile hay Brazil, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã sẵn sàng gia tăng thị phần ở Mexico, tận dụng lợi thế nguồn cung dồi dào.

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico City, nhật báo lớn nhất Mexico El Universal, các thương hiệu đến từ “xứ tỷ dân” như BAIC, Changan, JMC, JAC và mới đây nhất là Chirey đang thúc đẩy doanh số nhờ có sẵn các mẫu xe, trong bối cảnh Trung Quốc không bị thiếu hụt chất bán dẫn.

 

Ngoài ra, các nhà sản xuất ô tô Mexico chủ yếu tập trung vào xuất khẩu, nhường lại thị trường trong nước cho các loại xe nhập khẩu.

Theo phân tích của công ty tư vấn Urban Science có trụ sở tại Mỹ, mặc dù mỗi thương hiệu riêng lẻ chỉ chiếm thị phần nhỏ nhưng nếu cộng cả các mẫu xe do các nhà sản xuất như General Motors (GM) và Stellantis nhập khẩu từ Trung Quốc thì ô tô xuất xứ từ quốc gia châu Á này đã chiếm 16% thị phần ở Mexico. Trong 8 tháng đầu năm, doanh số của JAC đã tăng 121%, chiếm 0,8% thị phần.

BAIC, Changan và JMC đều ghi nhận doanh số tăng 230%, chiếm 0,5% thị phần. MG Motors tăng doanh số 236%, với 4,1% thị phần. Đây là thương hiệu của Anh nhưng hoàn toàn do Trung Quốc sản xuất, kể từ khi được SAIC Motor mua lại. Ngoài ra, Chirey cũng bắt đầu bán xe ở Mexico từ giữa năm nay.

Ông Eric Ramírez, giám đốc của Urban Science phụ trách Mỹ Latinh, cho biết các thương hiệu Trung Quốc hiện chiếm 6% thị phần, nhưng nếu tính thêm xe sản xuất ở Trung Quốc do các thương hiệu khác nhập khẩu, con số này đã lên tới 16%.

Ông Ramírez nhận định, tùy vào nhu cầu thị trường, thái độ của khách hàng và cạnh tranh từ các thương hiệu khác, tại Mexico ô tô Trung Quốc có thể không lặp lại thành công rực rỡ như ở Chile, nhưng vẫn có thể chiếm lĩnh 20% thị trường này.

Ở Nam Mỹ, ô tô Trung Quốc nằm trong top bán chạy nhất ở Chile, Brazil, Argentina, Colombia hay Peru nhờ các hiệp định thương mại song phương.

Theo ông Ramírez, Chery là một trong những cái tên đầu tiên xâm nhập Brazil và tìm được một nhà đầu tư bản địa có 30 kinh nghiệm lắp ráp, nhờ đó đáp ứng được các yêu cầu để tránh phí nhập khẩu cao. Trong khi đó, từ nhiều năm nay Chile đã cho phép nhập khẩu ô tô từ bất kỳ thị trường nào mà không yêu cầu có nhà máy ở địa phương và không phải trả thuế. Ngược lại, mức thuế nhập khẩu ở Mexico là 21%.

Giáo sư Liu Xuedong từ Đại học Tự trị Quốc gia Mexico (UNAM) cho biết, trong 8 tháng đầu năm nay Chile là nước nhập khẩu nhiều ô tô nhất từ Trung Quốc, và Mexico đứng ngay ở vị trí thứ hai. Đây là kết quả của chiến lược chuyển địa điểm sản xuất của GM và Stellanis.

Ông Liu cho biết: “Aveo từng được sản xuất ở Mexico nhưng nay là Trung Quốc. Mexico đang tận dụng cơ hội xuất khẩu miễn thuế sang Mỹ để có tỷ suất lợi nhuận tốt và nhường lại thị trường nội địa cho ô tô nhập khẩu, trong đó có các thương hiệu Trung Quốc”.

Cụ thể, GM nhập khẩu xe Aveo, Captiva, Envision, Groove, Tornado Van, S10 Max và Cavalier từ Trung Quốc, và vào năm 2023 sẽ có thêm Onix, cũng từng được sản xuất tại Mexico. Stellantis nhập khẩu Journey, vốn được sản xuất ở Mexico, Peugeot nhập khẩu xe bán tải Landtreck, còn BMW là SUV chạy điện iX3.

Mặc dù vậy, Alejandro Furas - tổng thư ký của Latin NCAP, cơ quan chuyên thực hiện các cuộc thử nghiệm va chạm để đánh giá mức độ an toàn của ô tô - cho biết nhìn chung, ô tô Trung Quốc nhận được ít sao về độ an toàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục