OANA 44: Sử dụng mọi lợi thế chống lại tin giả

16:44' - 17/04/2019
BNEWS Sự lan truyền thông tin nhanh chóng trên mạng xã hội, thường sử dụng những chi tiết giật gân câu khách hoặc những tin tức có yếu tố “nóng”, đã khiến bức tranh truyền thông đương đại trở nên hỗn loạn.
 Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi (hàng đầu, thứ 3 từ trái sang) chụp ảnh chung với đại diện lãnh đạo các hãng thông tấn thành viên OANA dự Phiên họp Đại hội đồng OANA lần thứ 16, ngày 18/11/2016 tại thủ đô Baku (Azerbaijan), thảo luận các biện pháp giải quyết thách thức của truyền thông hiện đại. Tại phiên họp này, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi đã có bài phát biểu tham luận. Ảnh: TTXVN phát

Vấn đề tin giả đã được đề cập tại một số kỳ họp gần đây của OANA và nhân dịp Hội nghị Ban Chấp hành OANA lần thứ 44 do TTXVN đăng cai tại Hà Nội từ ngày 18-20/4/2019, các hãng thông tấn thành viên đã có những chia sẻ về sự lan tràn của tin giả và tác động tiêu cực mà tin giả gây ra cho xã hội; đồng thời cùng nhau đưa ra các biện pháp, công cụ giúp các cơ quan báo chí và công chúng thực hiện việc kiểm chứng thông tin.

* Phát triển các quy tắc và tiêu chuẩn về đạo đức nghề báo

Chia sẻ về sáng kiến hợp tác tại Hội nghị Ban Chấp hành OANA lần thứ 44 lần này, ông Mikhail Gusman, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Hãng thông tấn TASS (Nga) cho rằng, hiện là lúc để tất cả cùng đoàn kết và sử dụng mọi lợi thế để phát triển các cơ chế cho một cuộc chiến có hệ thống nhằm chống lại "tin giả".

Cùng nhau đối mặt với thách thức này, bước đi đầu tiên có thể thực hiện là hợp tác trong các liên minh truyền thông giống như OANA, mà trong đó các Hãng thông tấn của các nước hợp tác chặt chẽ với nhau.

Theo ông Mikhail Gusman, cần đưa ra một định nghĩa thực tế về “tin giả" cùng với những lập luận về mặt pháp lý và việc áp dụng luật pháp. Cần đưa ra một định nghĩa rõ ràng và chỉ ra các khái niệm thế nào là “sự thật” và thế nào là “quan điểm”.

Các cách tiếp cận chung đối với vấn đề này sẽ triển khai có thể trở thành những khuyến nghị để các cơ quan truyền thông khác ở trong nước chống lại sự lan truyền của những thông tin giả và tin tức sai sự thật. Các Hãng thông tấn cần chú trọng hơn và tích cực phát triển các quy tắc, tiêu chuẩn về đạo đức nghề báo.

Chỉ có lựa chọn của cá nhân cùng với việc tuân thủ những quy tắc đạo đức mới giúp chúng ta vạch ra được ranh giới giữa sự thật và sự lừa dối, giữa “nhà báo” chuyên nghiệp với “những kẻ tung tin”.

Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Hãng Thông tấn TASS tin tưởng, OANA không chỉ là nơi các hãng thông tấn có thể trao đổi kinh nghiệm và cùng nhau tìm ra giải pháp cho những vấn đề phức tạp, mà còn là nơi đưa ra những quyết định quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới sự ổn định của không gian thông tin toàn cầu.

Khi Hãng thông tấn TASS đảm nhận vai trò Chủ tịch OANA, cùng với sự hỗ trợ của hãng thông tấn AAP (Australia), Bộ Quy tắc Đạo đức nghề nghiệp trong thông tin của OANA đã được hình thành.

Tài liệu này đã quy định trách nhiệm về tính chính xác của thông tin - bao gồm tin tức, ảnh và video - cũng như việc cấm đưa những tin tức có thể góp phần thúc đẩy các hoạt động của các tổ chức khủng bố.

* Giữ gìn nguyên tắc vàng, không “sa vào bẫy” tin giả

Sự lan truyền thông tin nhanh chóng trên mạng xã hội, thường sử dụng những chi tiết giật gân câu khách hoặc những tin tức có yếu tố “nóng”, đã khiến bức tranh truyền thông đương đại trở nên hỗn loạn và càng nghiêm trọng hơn khi được ứng dụng thêm nhiều công nghệ hiện đại.

Thực tế này đã gây áp lực lớn đối với các hãng thông tấn và các nhà báo, vốn luôn cam kết đưa tin nhanh chóng, đáng tin cậy và phù hợp với chuẩn mực đạo đức.

Trong bối cảnh tin giả đang ngày càng tràn lan, gây tổn hại tới các giá trị và quốc gia, Hãng thông tấn Bahrain, không chấp nhận sự thỏa hiệp khi theo đuổi việc đưa tin chân thực về các sự kiện trong nước và quốc tế.

Các sự kiện trong nước, khu vực và quốc tế đòi hỏi việc đưa tin liên tục và nhanh chóng và Hãng thông tấn Bahrain có trách nhiệm đóng góp hiệu quả vào quá trình giúp cộng đồng quốc tế được thông tin đầy đủ về các sự kiện và hội nghị, cũng như những diễn biến và kết quả của các sự kiện đó.

Chia sẻ kinh nghiệm và những biện pháp giúp các hãng thông tấn cải thiện năng lực cung cấp thông tin theo cách thức hiệu quả, Hãng thông tấn Bahrain cho biết, bên cạnh việc nâng cao hiểu biết về mức độ các nguồn tin không đáng tin cậy hoặc chưa được xác định, thì họ luôn tự nhắc nhở giữ gìn “nguyên tắc vàng” là không “sa vào bẫy” tin giả cho dù bề ngoài chúng có vẻ chân thực và hấp dẫn.

Hãng thông tấn Bahrain có những mối quan hệ đối tác mạnh mẽ với các hãng thông tấn khác, tạo dựng nên các kênh trao đổi thông tin đáng tin cậy, ký các thỏa thuận với một số trường đại học và trung tâm nghiên cứu để tăng cơ hội tiếp cận những thông tin và phân tích xác thực.

Đội ngũ phóng viên, biên tập viên được trang bị các kiến thức, kỹ năng tốt nhất để có thể sàng lọc, thẩm định tất cả các thông tin nhận được qua thư điện tử, fax, các cuộc gọi hay tin nhắn, hay những thông tin mà nhóm giám sát phát hiện được trên các website.

Bỏ qua những website đáng ngờ khi đưa tin về các sự kiện, các câu chuyện xảy ở nước khác, để trở thành trung tâm cung cấp thông tin chính xác và là nguồn tin tin cậy không chỉ cho người dân trong nước mà còn cả cộng đồng quốc tế, bên cạnh việc thẩm định, xác minh các nguồn tin và tác giả, Hãng thông tấn Bahrain chỉ đạo đội ngũ phóng viên, biên tập viên kiểm tra cả yếu tố thời gian. Bởi có nhiều trường hợp, những tin cũ được “xào xáo” lại thành tin mới để đánh lừa độc giả.

Chính nhờ những biện pháp này, Hãng thông tấn Bahrain có thể kiểm chứng toàn bộ sự thật và đảm bảo được rằng các sản phẩm thông tin của hãng miễn dịch với “virus” tin giả.

* Đẩy mạnh các cơ chế kiểm chứng thông tin

Tin giả là những tin do các phương tiện truyền thông đăng tải không đúng sự thật, bị thổi phồng hoặc bóp méo. Những thông tin này đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng khi chúng lan tràn trên các mạng xã hội như Twitter, YouTube và các dịch vụ truyền thông xã hội khác khiến một số người lo ngại tình trạng này đang đe dọa nền báo chí.

Nhằm ngăn chặn những thiệt hại từ việc tin giả lan truyền và cho phép độc giả nhận định đâu là thông tin xác thực giữa một “rừng tin” với các phiên bản khác nhau, Hãng thông tấn Yonhap cho biết, các phương tiện truyền thông của Hàn Quốc đang đẩy mạnh các cơ chế kiểm chứng thông tin.

Là Hãng thông tấn hàng đầu ở Hàn Quốc, Yonhap đã thành lập một ủy ban kiểm chứng thông tin và duy trì hoạt động của nhóm kiểm chứng thông tin này một cách thường xuyên nhằm góp phần vào vòng phản hồi trên thị trường truyền thông trong nước cũng như cung cấp những thông tin nhanh chóng, chính xác và mang tính cân bằng.

Nhóm kiểm chứng thông tin của Yonhap chính thức được thành lập vào tháng 4/2018 và trở thành một bộ phận của phòng tin tức.

Các phóng viên nước ngoài và tất cả các nhà báo có thể gắn cụm từ “kiểm chứng sự thật” vào các bài báo khi họ gặp phải những vấn đề cần sự tách biệt rõ ràng giữa sự thật và không đúng sự thật. Mục đích là nhằm không giới hạn việc kiểm chứng thông tin ở những lĩnh vực hay vấn đề nhất định nào.

Kiểm chứng thông tin hiện trở thành một trong những mối quan tâm lớn nhất của giới truyền thông Hàn Quốc. Các đài phát thanh, truyền hình đều có các nhóm riêng thực hiện nhiệm vụ trên, trong khi các tờ báo cũng tham gia kiểm chứng thông tin khi nảy sinh vấn đề.

Bộ phận kiểm chứng thông tin của Yonhap đã xử lý 140 bài báo trong vòng một năm kể từ khi bắt đầu hoạt động, xác định sự thật trong các bài viết về chính trị, kinh doanh, xã hội, văn hóa, khoa học và các lĩnh vực khác.

Yonhap đã nỗ lực giám sát những bình luận của các chính trị gia và các nhân vật có ảnh hưởng, sự lan tràn tin giả trên Internet và những bài viết sai sự thật trên các phương tiện truyền thông để cung cấp sự thật cho độc giả.

Để đối phó với nạn tin giả trên Youtube, ngày 8/3 vừa qua, Yonhap đã chính thức triển khai dịch vụ kiểm chứng thông tin bằng video mang tên “Kiểm chứng sự thật hàng tuần”.

* Hỗ trợ của công nghệ chống lại tin giả

Độc giả hiện có xu hướng tin vào những thông tin bằng hình ảnh hơn là văn bản. Những người muốn lôi kéo dư luận để làm lợi cho bản thân thường sử dụng ảnh. Vì thế khả năng thẩm định thông tin của báo chí đóng vai trò quan trọng trong kỷ nguyên số nhằm chống lại nạn tin giả cũng như thông tin sai sự thật.

Để giải quyết vấn đề trên, Phó Tổng Giám đốc Hãng thông tấn Anadolu (AA), Thổ Nhĩ Kỳ, ông Mustafa Ozkaaya cho biết, Hãng đã lập Hệ thống theo dõi ảnh (PTS) riêng bằng bộ mã hóa nhân viên của bộ phận IT.

PTS giúp theo dõi ảnh của hãng bằng cách tìm ra địa điểm, thời gian và cách thức mà bên thứ ba sử dụng dưới dạng số hóa.

Hệ thống này vận hành rất đơn giản và theo hai cách thức căn bản. Cách thứ nhất là có thể quét tự động các website và tờ báo đã được xác định trước qua PTS.

Hệ thống này theo dõi ảnh trên các phương tiện truyền thông đã được xác định trước, sau đó đối khớp các ảnh này với kho ảnh kỹ thuật số của Hãng thông tấn Anadolu và lập tức đưa ra các báo cáo so sánh. Cách thứ hai là tìm kiếm từng ảnh riêng lẻ thông qua PTS.

Ngoài ra, PTS có thể phát hiện những hình ảnh và tiến hành đối khớp xác thực cho dù những ảnh này bị làm méo mó hoặc chỉnh sửa một phần.

“Là thành viên của OANA, tất cả chúng ta cần tăng cường nỗ lực nhằm chống lại tin giả và thông tin sai sự thật với sự hỗ trợ của công nghệ trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của báo chí”, Phó Tổng Giám đốc Hãng thông tấn Anadolu Mustafa Ozkaaya nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục