OCB giữ ổn định mảng kinh doanh lõi, tái cấu trúc tài sản theo hướng lành mạnh

16:39' - 31/03/2023
BNEWS Dù gặp nhiều thách thức từ thị trường tài chính trong nước và thế giới nhưng OCB vẫn duy trì đà tăng trưởng hai chữ số cho các hoạt động cốt lõi, tái cấu trúc tài sản theo hướng lành mạnh.
Ngày 31/3, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chính thức công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2022. Theo đó, dù gặp nhiều thách thức từ thị trường tài chính trong nước và thế giới nhưng OCB vẫn duy trì đà tăng trưởng hai chữ số cho các hoạt động cốt lõi, tái cấu trúc tài sản theo hướng lành mạnh và đẩy mạnh phát triển kênh số.
Giữ đà tăng trưởng mảng kinh doanh lõi
 
Theo báo cáo, tăng trưởng tín dụng cả năm của OCB đạt 18,5%, cao hơn trung bình ngành. Thu nhập lãi thuần tăng hơn 21% so với năm trước đó và đạt hơn 6.900 tỷ đồng. Thu nhập từ mảng dịch vụ cũng tăng hơn 29% mang về cho ngân hàng hơn 1.000 tỷ đồng; trong đó, lãi thuần từ mảng kinh doanh ngoại hối tăng hơn 45% đạt hơn 145 tỷ đồng.
Thu nhập từ bán chéo bảo hiểm (bancassurance) tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của OCB với tỷ trọng gần 43% trong tổng thu phí, mang về 433 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 23% so với năm trước.
Bên cạnh đó, các mảng thu từ phí khác của ngân hàng cũng ghi nhận tăng trưởng cao như: thu thuần phí của thẻ tăng 138% so với cùng kỳ, doanh số giao dịch thẻ tăng trưởng 83% so với năm 2021; thu nhập từ mảng quản lý tài sản cũng tăng trưởng 55% từ 94 tỷ đồng trong năm 2021 lên 145 tỷ đồng năm 2022.
Sau 5 năm liên tiếp (2016-2021) ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 63%, thì kết thúc năm 2022, lợi nhuận trước thuế của OCB chỉ đạt gần 4.400 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên không đạt kế hoạch.
Đại diện OCB lý giải nguyên nhân của sự sụt giảm này là do ảnh hưởng bất lợi từ hoạt động đầu tư và kinh doanh trái phiếu chính phủ, mảng từng mang lại hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận cho ngân hàng những năm trước đó. Để giảm thiểu rủi ro, OCB tăng cường cơ chế quản lý và có chiến lược kiểm soát danh mục này.
OCB cho biết không chỉ riêng tại ngân hàng này mà lợi nhuận từ chứng khoán đầu tư đã sụt giảm mạnh tại hầu hết các ngân hàng khi lãi suất chịu áp lực tăng cao trong năm 2022. Có tới 23/27 ngân hàng được khảo sát ghi nhận lãi thuần từ mảng này giảm. Tổng lãi thuần từ chứng khoán đầu tư tại các ngân hàng đã giảm gần 64% so với năm trước.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của OCB đạt gần 194.000 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021. Dư nợ tín dụng thị trường 1 (cho vay doanh nghiệp và dân cư) chiếm 63% trong cơ cấu tổng tài sản của OCB, tăng mạnh từ mức 56% năm 2021. Trong khi đó tỷ trọng đầu tư trái phiếu và tài sản có khác đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Phần lớn danh mục tín dụng của OCB là cho vay khách hàng, chiếm tỷ trọng 97,6%, trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm một phần nhỏ khoảng 2,4%.
Tối ưu cơ cấu huy động và cho vay
Một điểm đáng lưu ý tại báo cáo lần này của OCB là biên lợi nhuận (NIM) đã tăng từ 3,7% trong năm 2021 lên 3,9% tại thời điểm kết năm 2022 trong bối cảnh chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay trên thị trường 1 thu hẹp.
Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết để có được sự cải thiện và tăng trưởng NIM, OCB đã tập trung vào việc phát triển và đẩy mạnh hoạt động của mảng ngân hàng bán lẻ (RB), thay đổi cấu trúc của hoạt động cho vay và tối ưu hoá việc sử dụng các hệ số tài chính như tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động (LDR).
Tỷ trọng cho vay bán lẻ (mảng có biên lợi nhuận cao và tiềm năng phát triển các mảng bán chéo) đã ghi nhận sự thay đổi đáng kể từ 36% năm 2020 lên 41% trong năm 2022. Dư nợ bán lẻ của OCB đã tăng từ 32.100 tỷ đồng lên 49.500 tỷ đồng trong hai năm trở lại đây. Đặc biệt trong năm 2022, tăng trưởng mảng này đạt 30% trong khi mảng khách hàng doanh nghiệp chỉ tăng chưa đầy 10%.
Ngân hàng cũng thực hiện đẩy mạnh phát triển khách hàng mới qua kênh ngân hàng số OMNI, gần 80% khách hàng mới của ngân hàng có được qua kênh số, số lượng người dùng tăng gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, đại diện OCB cho biết ngân hàng luôn chú trọng việc đảm bảo an toàn hoạt động, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế vĩ mô đầy biến động như thời gian qua.
Tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) luôn được giữ ở mức cẩn trọng (75,6% vào cuối năm 2022) dựa trên việc tính toán hợp lý nhằm tối ưu hoá chi phí, dòng tiền, cân đối các nguồn. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn luôn duy trì ở mức an toàn, tuân thủ quy định Ngân hàng Nhà nước.
Tổ chức Moody’s đã nâng bậc xếp hạng của OCB từ B1 lên Ba3 ở xếp hạng tiền gửi và xếp hạng nhà phát hành dài hạn. Xếp hạng rủi ro đối tác dài hạn vẫn giữ ở mức Ba3, mức thuộc top cao trong các tổ chức tín dụng hiện nay. Kết quả này một lần nữa khẳng định sự phát triển an toàn, bền vững và toàn diện của nhà băng này.
Hiện ngân hàng chưa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023, tuy nhiên ban lãnh đạo cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của khối bán lẻ để tăng trưởng CASA, lợi nhuận, đồng thời đa dạng hoá nguồn thu để giảm thiểu rủi ro.
Cổ phiếu OCB đóng cửa phiên giao dịch 31/3 ở mức 16.600 đồng/cổ phiếu, tăng 2,47%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục