Bước chuyển kinh tế mang tính quyết định của Trung Quốc

05:30' - 12/05/2025
BNEWS Thay đổi kép trong chính sách kinh tế đã được nhìn thấy rõ trong kỳ họp lưỡng hội của Trung Quốc được tổ chức vào tháng 3/2025.

Trang tin “Diễn đàn Đông Á” (Australia) mới đây đăng bài viết cho rằng Trung Quốc đang thực hiện một bước ngoặt kinh tế mang tính quyết định, thoát khỏi mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và đầu tư lâu nay để chuyển sang mô hình tập trung vào tiêu dùng trong nước và ổn định nội bộ. Sự thay đổi này đánh dấu sự hiệu chỉnh địa chiến lược rộng hơn nhằm ứng phó với môi trường quốc tế phân cực và sự gia tăng cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thay đổi kép trong chính sách kinh tế đã được nhìn thấy rõ trong kỳ họp lưỡng hội được tổ chức vào tháng 3/2025, bao gồm cuộc họp thường niên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc và Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc. Nền kinh tế nhà nước do Đảng lãnh đạo hiện ưu tiên mở rộng nhu cầu trong nước, ổn định thị trường tài chính và kích thích tài khóa chưa từng có.

Một đặc điểm xác định của giai đoạn mới này là sự thay đổi đối với việc duy trì mức trần thâm hụt tài khóa 3% GDP, vốn lâu nay là chuẩn mực cho kỷ luật tài chính. Các đường nét kinh tế hiện tại đang hướng tới lập trường tài khóa quyết liệt, làm tăng tỷ lệ thâm hụt ngân sách lên 4% GDP — mức cao nhất trong lịch sử hiện đại của Trung Quốc.

 

Động thái này ưu tiên tăng trưởng và ổn định kinh tế hơn là “thắt lưng buộc bụng”, phù hợp với sự can thiệp chủ động của nhà nước vào các lĩnh vực được coi là quan trọng đối với cả sự ổn định kinh tế và chính trị. Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện coi bất động sản và sự ổn định của thị trường chứng khoán là những ưu tiên kinh tế vĩ mô cấp bách.

Ông Liu Hanyuan, một đại biểu Quốc hội và là nhà lãnh đạo doanh nghiệp, đã đề xuất hai quỹ ổn định lớn. Ông khuyến nghị thành lập một quỹ ổn định thị trường chứng khoán trị giá 10.000 tỷ nhân dân tệ (1.370 tỷ USD) để hỗ trợ cổ phiếu trong nước và ngăn chặn sự suy thoái tiếp theo của thị trường. Ông Liu cũng đề xuất thành lập một quỹ ổn định bất động sản trị giá 10.000 tỷ nhân dân tệ để mua lại nhà chưa bán được, giải quyết tình trạng phá sản của chủ đầu tư và ngăn chặn khủng hoảng nhà ở, phản ánh cách tiếp cận chủ động đối với quản lý rủi ro tài chính.

Ngoài các biện pháp can thiệp vào thị trường, các chính sách kích thích nhấn mạnh vào phát triển kinh tế và xã hội để thúc đẩy tiêu dùng và mở rộng nhu cầu trong nước. Điều này bao gồm trợ cấp đổi ô tô, đồ gia dụng và các mặt hàng tiêu dùng khác để khuyến khích tiêu dùng theo cách có hệ thống và có mục tiêu.

Để thúc đẩy tiêu dùng bền vững lâu dài, chiến lược tập trung vào mở rộng các chế độ phúc lợi an sinh xã hội, lương hưu và trợ cấp y tế để tăng thu nhập khả dụng. Mục tiêu không chỉ là kích thích ngắn hạn mà còn là sự chuyển dịch bền vững sang tăng trưởng dựa trên tiêu dùng, giảm sự phụ thuộc vào việc mở rộng dựa vào cơ sở hạ tầng.

Thay đổi báo hiệu sự biến động trong chính sách đối ngoại rộng lớn hơn của Trung Quốc, nhằm hiệu chỉnh lại chiến lược tham gia quốc tế của đất nước. Thành công của nó phụ thuộc vào khả năng cân bằng giữa sự ổn định kinh tế trong nước với tham vọng địa chính trị của Trung Quốc.

Sự tiếp cận này có thể thấy rõ trong các nền kinh tế chuyển đổi năng lượng, phù hợp với chiến lược kinh tế trong nước của Trung Quốc là ưu tiên nâng cấp công nghiệp, năng lượng xanh và mở rộng nền kinh tế số. Trung Quốc đã trở thành nguồn đầu tư mới hàng đầu của Saudi Arabia, đầu tư 21,6 tỷ USD trong giai đoạn 2021–2024. 1/3 tổng số này được đầu tư vào các công nghệ sạch — phù hợp với sáng kiến Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia. Trung Quốc cũng đang tích cực thúc đẩy xuất khẩu công nghệ xanh như xe điện và tấm pin Mặt trời sang các nước châu Phi như một phần trong chiến lược thay đổi mô hình thương mại toàn cầu, tự coi mình là nước đi đầu trong phát triển bền vững.

Trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ gia tăng, Trung Quốc đang tăng cường quan hệ với các thị trường Nam bán cầu và đẩy nhanh hoạt động thương mại bằng đồng nhân dân tệ, cho thấy một cách tiếp cận phòng ngừa chiến lược. Các chuyến thăm gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới khu vực Đông Nam Á minh họa cho sự thay đổi lớn hơn này. Những hành động này đưa Trung Quốc vào vị trí sắp xếp lại chuỗi cung ứng và các xung đột địa kinh tế. Tuy nhiên, chúng cũng khơi dậy mối lo ngại về sự tách rời lâu dài giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục