OCB: Ông Nguyễn Đình Tùng xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT

11:06' - 09/08/2024
BNEWS Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) vừa thực hiện công bố thông tin về việc đã nhận đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT của ông Nguyễn Đình Tùng theo nguyện vọng cá nhân.

Gia nhập OCB từ tháng 4/2012 và chính thức đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc từ tháng 8/2012. Với 12 năm nắm giữ vị trí này, ông Nguyễn Đình Tùng đã cùng HĐQT và Ban điều hành đưa OCB trở thành ngân hàng tư nhân hoạt động hiệu quả hàng đầu Việt Nam.

Tháng 4/2023, ông Nguyễn Đình Tùng tiếp tục được bầu làm thành viên HĐQT OCB nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc triển khai các kế hoạch chiến lược của ngân hàng trong thời gian tới.

 

Chia sẻ về quyết định này, ông Tùng cho biết: "Sau khi thôi nhiệm vị trí Tổng Giám đốc ngân hàng để tập trung vào chiến lược phát triển bền vững và mở rộng mạng lưới đối tác lớn của ngân hàng trong vai trò thành viên HĐQT thường trực OCB, tôi cũng đã có kế hoạch riêng, tập trung chuyên sâu vào các dự án số hóa tài chính – một trong những đam mê và tâm huyết mà tôi đã theo đuổi từ rất lâu".

"Tuy nhiên nhằm đảm bảo tính minh bạch cũng như đáp ứng các quy định của luật TCTD mới có hiệu lực từ 01/7/2024, tôi đã quyết định đưa đơn từ nhiệm khỏi vị trí thành viên HĐQT, để chuyên tâm vào công việc sắp tới của cá nhân", ông Tùng nói.

Được biết, đơn từ nhiệm của ông Tùng sẽ được Hội đồng quản trị xem xét và trình xin ý kiến tại Đại hội đồng cổ đông gần nhất.  

Trước đó, HĐQT OCB đã công bố thông tin về việc bổ nhiệm ông Phạm Hồng Hải giữ chức vụ Tổng Giám đốc OCB từ ngày 16/7/2024 sau hơn 2 tháng đảm nhiệm vai trò Quyền Tổng Giám đốc.

Tổng Giám đốc OCB cho biết sẽ thực hiện 3 mục tiêu trong thời gian tới. Đầu tiên, tiếp tục đưa OCB tăng trưởng và hoạt động hiệu quả trong Top đầu ngân hàng tư nhân tại Việt Nam bằng việc đẩy mạnh số hóa, tự động hóa và đơn giản các quy trình thủ tục nhằm đẩy nhanh tốc độ phục vụ khách hàng và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Tập trung chiến lược ngân hàng “xanh” vừa giúp tạo ra các cơ hội kinh doanh mới và cũng đóng góp cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Tiếp đến là xây dựng thương hiệu OCB để khi nói đến một trong những ngân hàng Việt hoạt động bài bản, chuẩn mực, minh bạch, hiệu quả hàng đầu mọi người sẽ nghĩ ngay đến OCB, tạo nên lợi thế cạnh tranh khác biệt và lâu dài cho OCB. Và cuối cùng là phát triển năng lực đội ngũ nhân sự tại ngân hàng, làm nền tảng cho chiến lược bền vững mà OCB đã và đang hướng đến.

>>>OCB được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm 4.110 tỷ đồng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục