OECD tỏ ý thất vọng về các quốc gia giàu có

19:31' - 17/09/2021
BNEWS Theo OECD, các nước đang phát triển - những đối tượng chịu tác động lớn nhất từ tình trạng biến đổi khí hậu - đã nhận được 79,6 tỷ USD trong năm 2019.

Các quốc gia giàu có đang đạt được rất ít tiến bộ trong việc thực thi cam kết cung cấp 100 tỷ USD/năm cho các quốc gia nghèo hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu – đó là kết luận được đưa ra trong báo cáo của Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) ngày 17/9.

Theo OECD, các nước đang phát triển - những đối tượng chịu tác động lớn nhất từ tình trạng biến đổi khí hậu - đã nhận được 79,6 tỷ USD trong năm 2019.

Tuy nhiên, mức viện trợ này vẫn ít hơn 20 tỷ USD so với khoản tiền mà các quốc gia giàu có cam kết cung cấp hàng năm, bắt đầu từ năm 2020 để giúp các nước nghèo hơn hạn chế phát thải khí carbon và ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai.

Số liệu của năm 2019 là những dữ liệu mới nhất được công bố. Khoản tiền viện trợ trong năm này mặc dù tăng 2% so với năm 2018, nhưng lại giảm mạnh so với những năm trước đó. Các tổ chức giám sát thậm chí cảnh báo rằng những con số này có thể đã bị “thổi phồng”.

Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký OECD – ông Mathias Cormann cho biết: "Những tiến bộ hạn chế về lượng tài chính dành cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tổng thể từ năm 2018 đến năm 2019 là đáng thất vọng, đặc biệt là khi Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới. Tuy những số liệu của năm 2020 chưa được công bố, nhưng rõ ràng rằng lượng tài chính dành cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vẫn còn hụt đáng kể so với mức mục tiêu. Sẽ cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Chúng tôi biết rằng các nước tài trợ nhận thức được vấn đề này".

Theo ông Mathias Cormann, Canada và Đức đang lên kế hoạch huy động khoản tài chính bổ sung cần thiết để đạt được mục tiêu viện trợ 100 tỷ USD/năm.

Trong khi đó, những tác động của đại dịch COVID-19 gây ra cho các nước đang phát triển còn chưa được đánh giá đầy đủ.

Các quốc gia có thu nhập thấp đã bị cuộc khủng hoảng y tế này ảnh hưởng nghiêm trọng, khi làn sóng lây nhiễm lan rộng và các lệnh phong tỏa tàn phá nền kinh tế, trong khi các thảm họa thiên nhiên do tình trạng biến đổi khí hậu mang lại vẫn tiếp tục gia tăng.

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc năm 2009 tại Copenhagen (Đan Mạch) đã yêu cầu các quốc gia giàu có viện trợ cho các nước nghèo hơn 100 tỷ USD/năm và cam kết này được gia hạn tại hội nghị ở Paris (Pháp) năm 2015.

Tuy nhiên, khoản tài chính này đến từ đâu và phân bổ như thế nào lại không được quy định rõ. Điều đó đã khiến cho tiến trình đạt được mục tiêu này vừa khó khăn vừa gây tranh cãi. Vấn đề được cho là sẽ tiếp tục “dậy sóng” tại COP26 tại Glasgow (Vương quốc Anh) vào tháng 11 tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục