OPEC+ bám sát kế hoạch tăng sản lượng trong tháng 7-8/2022

22:01' - 30/06/2022
BNEWS Nhóm OPEC+ hôm 30/6 cho biết họ sẽ bám sát kế hoạch tăng sản lượng dầu vào tháng Tám, nhưng tránh thảo luận về chính sách cho tháng Chín trở đi.

Thông tin trên được đưa ra khi giá tăng do nguồn cung toàn cầu thắt chặt và lo ngại rằng nhóm Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (còn gọi là nhóm OPEC+) có ít khả năng bơm thêm dầu thô ra thị trường.

 

Cuộc họp hôm 30/6 của OPEC+ với sự tham gia của Saudi Arabia, Nga và các nhà sản xuất dầu lớn khác được tổ chức vài ngày trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công du Trung Đông. Dự kiến ông chủ Nhà Trắng cũng sẽ tới thăm Saudi Arabia, nơi ông được cho là sẽ hối thúc Vương quốc Vùng Vịnh này tăng thêm sản lượng dầu.

Tại cuộc họp cuối cùng vào ngày 2/6, OPEC+ đã quyết định tăng sản lượng mỗi tháng thêm 648.000 thùng/ngày vào tháng 7 và tháng 8/2022, tăng so với kế hoạch trước đó là tăng thêm 432.000 thùng/tháng.

Chính phủ Mỹ hoan nghênh quyết định tăng sản lượng nhanh hơn nêu trên, sau khi OPEC+ trong nhiều tháng đã chịu áp lực từ phương Tây để tăng cường sản xuất.

Giá dầu tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008 và vượt ngưỡng 139 USD/thùng, sau khi Mỹ và châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine).

Kể từ đó, giá “vàng đen” đã giảm nhưng vẫn ở mức trên 115 USD/thùng vào ngày 30/6 do nguồn cung thắt chặt và lo ngại rằng các quốc gia OPEC có ít khả năng tăng sản lượng nhanh chóng. Giới phân tích nhận định nỗi lo về nguồn cung đang vượt qua nỗi sợ hãi một cuộc suy thoái kinh tế.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong tuần này cho biết ông đã được thông báo rằng Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), hai quốc gia OPEC duy nhất được coi là có công suất dự phòng đáng kể - hầu như không thể tăng thêm sản lượng.

Bên cạnh nỗi lo về nguồn cung dầu, châu Âu đang phải vật lộn để giải quyết tình trạng thiếu khí đốt do lượng giao hàng của Nga xuống thấp hơn. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cho biết khả năng châu Âu phải phân chia tỷ lệ khí đốt đã tăng lên đáng kể. Nguy cơ một cuộc suy thoái kỹ thuật ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang có khả năng gia tăng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục