OPEC+ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến cuối tháng 11/2024

07:03' - 06/09/2024
BNEWS OPEC+, ngày 5/9 đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện cho đến cuối tháng 11/2024.
Theo truyền thông Trung Đông, 8 thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, ngày 5/9 đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện cho đến cuối tháng 11/2024, hoãn lại kế hoạch gia tăng nguồn cung trong bối cảnh giá dầu thô ngày càng suy giảm trên thị trường năng lượng thế giới.

Báo Arab News của Saudi Arabia đưa tin, 8 quốc gia thành viên OPEC+ nói trên bao gồm Saudi Arabia, Nga, Iraq, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Kuwait, Kazakhstan, Algeria và Oman.

Trong một tuyên bố, OPEC+ cho biết các mức cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày của các nước này sẽ được gia hạn 2 tháng cho đến cuối tháng 11 năm nay, trước khi dần được loại bỏ hàng tháng bắt đầu từ ngày 1/12/2024. OPEC+ nhấn mạnh thỏa thuận cắt giảm tự nguyện sẽ được áp dụng linh hoạt tùy theo các điều kiện thị trường.
 
Trước đó, tại cuộc họp cấp bộ trưởng vào tháng 6/2204, OPEC+ thông báo họ sẽ bắt đầu tăng dần sản lượng từ tháng 10 năm nay. Nhà phân tích Ipek Ozkardeskaya tại Swissquote nhận định: "Ngay cả khi OPEC+ cố gắng tránh các rủi ro, quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện đến cuối năm nay cũng có thể không đủ để hỗ trợ cho giá dầu, giữa lúc giới đầu tư lo ngại về triển vọng nhu cầu suy yếu do tình hình vĩ mô toàn cầu xấu đi".

Những lo ngại về nhu cầu chậm lại ở Trung Quốc và Mỹ đã gây áp lực lên giá dầu trong thời gần đây, với giá dầu WTI giảm xuống dưới 70 USD /thùng lần đầu tiên sau 13 tháng.

Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 5/9 công bố báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2023 do lượng dầu nhập khẩu của nước này sụt giảm, trong khi dự trữ xăng gia tăng khi mùa lái xe trong mùa Hè ở Mỹ kết thúc.

Theo EIA, dự trữ dầu thô của Mỹ, không bao gồm Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược, đã giảm 6,9 triệu thùng xuống còn 418,3 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 30/8, so với mức dự báo giảm 993.000 thùng của các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters.

Lượng dầu thô nhập khẩu ròng của Mỹ giảm 853.000 thùng/ngày vào tuần trước xuống còn 2 triệu thùng/ngày, trong khi lượng dầu xuất khẩu tăng 85.000 thùng/ngày lên 3,8 triệu thùng/ngày. Sau báo cáo của IEA, giá dầu thô giao sau của Mỹ và giá dầu Brent giao sau đã tăng lần lượt 2% và 1,6%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục