PBoC đẩy mạnh mua vàng thay thế lượng nắm giữ tài sản bằng đồng USD

08:13' - 02/02/2024
BNEWS Tổng lượng vàng mua ròng của PBoC đạt 225 tấn trong năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1977, dữ liệu thống kê cũ nhất có được của nước này.
Lượng mua vàng của Trung Quốc đã tăng 30% vào năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu của xu hướng này là do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đẩy mạnh mua vàng để thay thế lượng nắm giữ tài sản bằng đồng USD, giữa bối cảnh bất đồng thương mại giữa nước này với Mỹ chưa có dấu hiệu giảm bớt và các nhà đầu tư cá nhân đua nhau tìm kiếm “nơi trú ẩn an toàn” khi nền kinh tế khó khăn.

 
Dữ liệu trên được lấy từ báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng năm 2023 của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), được công bố hôm 31/1. Các ngân hàng trung ương thế giới đã mua ròng 1.037 tấn vàng vào năm 2023, mức mua lớn thứ hai kể từ năm 1950, chỉ sau mức mua ròng 1.082 tấn vào năm 2022. Tổng lượng vàng mua ròng của PBoC đạt 225 tấn trong năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1977, dữ liệu thống kê cũ nhất có được của nước này.

Rủi ro địa chính trị, bao gồm cả những rủi ro liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine, cũng thúc đẩy hoạt động mua vàng ở các quốc gia như Ba Lan - nước đã mua 130 tấn vào năm 2023 và Libya, quốc gia đã mua 30 tấn vàng trong cùng kỳ.

Một số quốc gia đang cố gắng giảm dự trữ USD để chuyển sang vàng, sau khi Mỹ và châu Âu đóng băng dự trữ tài sản của Nga. Nhà phân tích thị trường Itsuo Toshima cho biết: “Đây là dấu hiệu cho thấy niềm tin vào đồng USD, vốn được coi là đồng tiền dự trữ quốc tế chủ chốt, đang suy giảm”.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, khi Trung Quốc mua thêm vàng, nước này đã cắt giảm lượng nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ xuống còn khoảng 782 tỷ USD tính đến tháng 11/2023, thấp hơn khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Con số này thấp hơn khoảng 230 tỷ USD so với số trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ ngay sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Về phần mình, ông Tsuyoshi Ueno, nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu NLI ở Nhật Bản, cho biết Trung Quốc, quốc gia đang thúc đẩy quốc tế hóa đồng NDT, có thể đang cố gắng "thoát khỏi tầm ảnh hưởng lớn của đồng USD và mở rộng khu vực sử dụng đồng NDT".

Hoạt động mua vàng cũng đang bùng nổ trong giới đầu tư cá nhân Trung Quốc. Một nhân viên bán hàng của Tập đoàn Vàng Quốc gia Trung Quốc cho biết: “Gần đây vàng thỏi đã trở nên phổ biến. Các thỏi được chế biến rẻ hơn so với đồ trang sức như nhẫn và dây chuyền và dễ bán lại, khiến chúng thích hợp để đầu tư”. Chi tiêu cho hàng xa xỉ của Trung Quốc đã chậm lại do kinh tế tăng trưởng chậm lại và khủng hoảng lĩnh vực bất động sản, nhưng vàng - tài sản được dự đoán sẽ tăng giá - lại là một câu chuyện khác.

Trung Quốc, cùng với Ấn Độ, những nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới, vốn ưa chuộng dùng vàng làm quà cưới và các quà tặng nhân dịp khác. Theo báo cáo của WGC, nhu cầu trang sức vàng năm 2023 tăng 10% lên 630 tấn.

Nhu cầu về vàng thỏi và đồng xu, chủ yếu được sử dụng để đầu tư, tăng 28% lên 280 tấn. Sự bùng nổ nhu cầu vàng hiện nay là bất thường khi giá vàng tính bằng đồng NDT đang đạt đến tầm cao mới do đồng tiền mất giá.

Tài sản phổ biến nhất ở Trung Quốc là bất động sản, chứng khoán và vàng. Nhưng sự suy thoái nghiêm trọng của thị trường bất động sản và sự sụt giảm của chứng khoán Trung Quốc khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn.

Giá vàng giao kỳ hạn tại thị trường Mỹ đang giao dịch quanh mức 2.070 USD/ounce, không xa mức cao nhất mọi thời đại là 2.152 USD/ounce được thiết lập vào tháng 12/2023. Giá kim loại quý này đã giảm 1,3% trong tháng 1/2024 nhưng vẫn giữ trên ngưỡng tâm lý 2.000 USD/ounce từ đầu năm đến nay.

WGC cho biết các quỹ giao dịch trao đổi được hỗ trợ bởi vàng vật chất đã bán 244 tấn vàng trong năm 2023. Khi các ngân hàng trung ương ở châu Âu và Mỹ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, vàng trở thành một khoản đầu tư kém hấp dẫn hơn vì nó không sinh lời.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục