Phân cấp, phân quyền đồng thời bố trí nguồn lực cho địa phương

19:30' - 07/05/2025
BNEWS Theo Chủ tịch Quốc hội, để đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, vừa qua Quốc hội đã sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương...

Chiều 7/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

 

Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, nhân dân, cử tri rất mong đợi kỳ họp này, mong muốn Đảng, Nhà nước tập trung đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết 18. Đây là vấn đề hợp ý Đảng, lòng dân.

Ngày 5/5/2025, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 ban hành Kế hoạch 05/KH-UBDTSĐBSHP về tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Theo đó, thời gian lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết bắt đầu từ ngày 6/5/2025 và hoàn thành vào ngày 5/6/2025.

Theo Chủ tịch Quốc hội, để đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, vừa qua Quốc hội đã sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương... Để tiếp tục đáp ứng yêu cầu, chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sáp nhập tỉnh, tổ chức mô hình chính quyền 2 cấp thì tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và một số dự án luật.

Trong đó tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước theo hướng phân cấp mạnh cho địa phương để có nguồn lực, từ đó địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu với kinh nghiệm thực tế tại các địa phương, các cấp, các ngành tập trung đóng góp ý kiến các dự án luật bàn thảo tại kỳ họp lần này.

Góp ý hoàn thiện dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), các ý kiến cho rằng, dự thảo Luật bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và các nội dung đang được dự kiến sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp năm 2013, cụ thể hóa các yêu cầu, định hướng về thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về quy định chuyển tiếp, một số đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát quy định chuyển tiếp của dự thảo Luật và các quy định khác có liên quan để bao quát hết các trường hợp cần chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn, công việc của chính quyền cấp huyện khi thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp (không tổ chức cấp huyện), tránh bỏ sót, trùng lặp nhiệm vụ, quyền hạn làm ảnh hưởng đến tính liên tục, thông suốt trong hoạt động của chính quyền địa phương, cũng như ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng và hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) đồng tình với chủ trương chuyển phần lớn nhiệm vụ, quyền hạn cấp huyện về cấp xã; tăng thêm thẩm quyền, tổ chức, bộ máy cho cấp xã, nhất là các công việc nhằm giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, các quy định của dự thảo luật còn chưa rõ trách nhiệm của cấp tỉnh - cơ quan trực tiếp theo dõi, đánh giá khả năng thực hiện nhiệm vụ của cấp xã.

“Trong khi đang kiện toàn tổ chức bộ máy, cần có cơ chế để cấp tỉnh cử cán bộ trực tiếp xuống xử lý công việc, hoặc đưa nhiệm vụ từ cấp xã lên tỉnh để xử lý, để giảm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và xã hội”, đại biểu Nguyễn Phương Thủy nêu quan điểm.

Về mô hình tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các xã, một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định về mô hình tổ chức Ủy ban nhân dân linh hoạt đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương, vùng miền và đúng với tinh thần tinh gọn bộ máy tổ chức.

Tương tự, đối với mô hình của Hội đồng nhân dân cấp xã, không nên quy định cứng trong luật, mà giao cho cơ quan có thẩm quyền quy định mô hình tổ chức, hoặc điều chỉnh lĩnh vực hoạt động của các Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã.

Đại biểu Bùi Huyền Mai (Hà Nội) đề nghị cân nhắc mở rộng thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tại các đô thị đặc biệt như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có thể linh hoạt trong tổ chức các cơ quan chuyên môn; kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố chủ động bố trí cán bộ công chức phù hợp với yêu cầu và quy mô dân số.

Về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp, dự thảo luật đã đề cập đến các quy định về phân cấp, ủy quyền. Theo đại biểu, đây là cuộc cách mạng về cách thức vận hành chính quyền cấp xã, từ chỗ thụ động thực hiện nhiệm vụ công việc do cấp huyện giao, sang chủ động tổ chức thực hiện các công việc được phân cấp, ủy quyền.

Về thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân, đại biểu đồng tình với quy định Thường trực HĐND được quyết định chế độ chi ngân sách để thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể trên địa bàn hoặc thực hiện nhiệm vụ cấp bách theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục