Phần lớn hợp tác xã nông nghiệp chưa thay đổi phương thức hoạt động

16:01' - 02/03/2016
BNEWS Theo Bộ NN&PTNT, phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay chưa thay đổi phương thức hoạt động, còn nặng về hành chính, bao cấp theo phương thức hợp tác xã kiểu cũ.
Hợp tác xã Xuân Hương (Đà Lạt) có 25 thành viên và 7ha đất canh tác, mỗi năm cung ứng gần 600 tấn rau. Ảnh: Phạm Kha–TTXVN
Ngày 2/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Luật Hợp tác xã và triển khai nhiệm vụ kinh tế hợp tác năm 2016 trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đánh giá chung, phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay chưa thay đổi phương thức hoạt động, còn nặng về hành chính, bao cấp theo phương thức hợp tác xã kiểu cũ. 

Theo ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến hết năm 2015 mới có khoảng 29,38% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã. Đa số các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay mới chỉ tập trung hoạt động đối với các dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như: Cung ứng giống, vật tư, phân bón, bảo vệ thực vật, thủy lợi nội đồng…; còn các dịch vụ rất quan trọng như: bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm, nên số hợp tác xã thực hiện việc bao tiêu nông sản cho nông dân ít, hiện mới chỉ có khoảng 10% số hợp tác xã thực hiện việc bao tiêu một phần nông sản cho nông dân. 

Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã nông nghiệp còn lúng túng trong định hướng hoạt động và đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chưa có sản phẩm dịch vụ tốt để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa; thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã với thành viên nên hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp còn yếu. Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, các tổ chức của nông dân, các doanh nghiệp còn có nhiều hạn chế. 

Đáng chú ý, hiện nay đa số cán bộ chủ chốt hợp tác xã nông nghiệp hiện có trình độ chuyên môn nghiệp vụ hạn chế, ít được đào tạo. Tư duy phát triển sản xuất kinh doanh chưa theo kịp với sự phát triển của cơ chế thị trường, thiếu tính nhạy bén và năng động trong tổ chức điều hành sản xuất kinh doanh... 

Theo ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã sản xuất và chế biến Đồng Hiệp (Đồng Nai), vai trò của hợp tác xã hiện nay là rất quan trọng, phải chứng minh được khi tham gia xã viên sẽ được lợi nhiều hơn mất. Bên cạnh đó, phải tập hợp được xã viên cùng có chí hướng, quan trọng là cùng nhau nghĩ tới tương lai là sản xuất cho chính mình và cho người tiêu dùng. Từ đó, cùng nhau xây dựng một hợp tác xã phát triển mạnh, bền vững; đảm bảo lợi ích cho xã viên... Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều hợp tác xã phát triển rất khó khăn bởi chưa làm được điều mà xã viên mong muốn là thấy được nhiều lợi ích khi tham gia Hợp tác xã. 

Phần lớn hợp tác xã nông nghiệp chưa thay đổi phương thức hoạt động. Ảnh minh họa: Phúc Sơn - TTXVN
Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể như lãi suất, đất đai, đào tạo... Hiện nay tài sản của hợp tác xã là của toàn bộ xã viên nên không thể thế chấp cho ngân hàng vay vốn được. Có thể cho các hợp tác xã vay vốn như các đối tượng khác nhưng phải chịu sự quản lý chặt chẽ của ngân hàng. Ví dụ, mọi giao dịch của Hợp tác xã đều phải thông qua ngân hàng để ngân hàng nắm được nguồn tiền cho vay sử dụng có hiệu quả hay không. - ông Công kiến nghị. 

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Võ Kim Cự cho rằng, ba năm qua, nhà nước đầu vào kinh tế tập thể là quá ít, mới chỉ được 1.030 tỷ đồng, trong khi đó lợi nhuận từ khu vực này là rất lớn. Theo ông Cự, chỉ cần đầu tư vào khu vực này khoảng 5-10 nghìn tỷ đồng thì sẽ tạo việc làm cho khoảng 30 triệu người và rất nhiều lợi ích khác. Trong thời gian tới, hy vọng, Nhà nước sẽ có nhiều chính sách ưu đãi hơn đối với kinh tế tập thể. 

Năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa ra nhiệm vụ và giải pháp để kinh tế tập thể phát triển hơn nữa như: tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và chính sách hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đẩy mạnh ở tất cả các địa phương việc xây dựng và phát triển các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới hoạt động gắn với các chuỗi giá trị nông sản an toàn và có giá trị chất lượng cao, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác và xây dựng cánh đồng lớn đặc biệt ở các địa phương, vùng, miền nông nghiệp hàng hóa phát triển. Bên cạnh đó, cơ bản tiến hành xong việc đăng ký lại hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã mới... 

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ khi Luật Hợp tác xã có hiệu lực (01/7/2013) đến nay đã có 4/19 liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã; trong đó có 3 liên hiệp hợp tác xã thành lập mới, còn 15 liên hiệp hợp tác xã chưa tổ chức lại hoạt động theo Luật. Có 2.056 hợp tác xã cũ đăng ký lại hoạt động (chiếm 18,87% số hợp tác xã). Bên cạnh đó, có 1.145 hợp tác xã mới thành lập (chiếm 10,51% số hợp tác xã) nâng số hợp tác xã đăng ký lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã chiếm 29,38% tổng số hợp tác xã nông nghiệp. Ngoài ra, đã có 480 hợp tác xã hoạt động không hiệu quả phải giải thể, sáp nhập. Tuy nhiên vẫn còn 1.062 hợp tác xã hoạt động không hiệu quả phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng vẫn chưa được giải thể (chiếm 9,75% số hợp tác xã)./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục