Pháp đang ở “tâm bão” của bóng đen khủng hoảng tài chính đe dọa châu Âu

21:27' - 06/12/2024
BNEWS Nền kinh tế lớn thứ hai của Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng, khi Chính phủ Pháp sụp đổ ngày 4/12 sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Thời điểm khó khăn trước đây, các bộ trưởng tài chính châu Âu thường nói rằng ít nhất họ không phải là Hy Lạp - quốc gia từng là trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Nhưng ngày nay, nhiều người sẽ khó có thể nói câu đó.

 

Phiên 2/12, lợi suất trái phiếu chính phủ Hy Lạp đã giảm xuống mức thấp hơn lợi suất trái phiếu Pháp, cho thấy các nhà đầu tư đánh giá các khoản vay của Hy Lạp an toàn hơn Pháp. Lợi suất trái phiếu chính phủ Pháp hiện cao hơn 0,8 điểm phần trăm so với lợi suất trái phiếu chính phủ Đức, vốn được coi là thước đo chuẩn của thị trường trái phiếu Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), mức chênh lệch lớn nhất kể từ năm 2012.

Nền kinh tế lớn thứ hai của Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng, khi Chính phủ Pháp sụp đổ ngày 4/12 sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Vấn đề đầu tiên của Pháp là thâm hụt ngân sách. Với mức thâm hụt hơn 6% GDP, con số này năm nay vượt xa dự báo của Chính phủ Pháp và các nhà phân tích độc lập. Không những thế Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán mức thâm hụt này sẽ duy trì ở mức trên 6% GDP đến cuối thập kỷ, vượt xa ngưỡng tối đa 3% GDP mà Ủy ban châu Âu (EC) quy định.

Thâm hụt lớn làm tăng thêm nợ công của Pháp, dự kiến sẽ tương đương 115% GDP vào năm tới, cao hơn khoảng 17 điểm phần trăm so với năm 2018. Theo IMF, đến năm 2029, con số này sẽ đạt mức tương đương 124% GDP. Do đó, chi phí trả lãi dự kiến sẽ tăng từ 1,9% GDP lên 2,9% GDP, dựa trên kỳ vọng tăng trưởng kinh tế khả quan.

Ngân hàng Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Pháp xuống chỉ còn 0,7% vào năm 2025. Nếu các nhà phân tích của ngân hàng này đúng, chi phí trả lãi sẽ còn nặng nề hơn và tỷ lệ nợ công/GDP cũng tiếp tục cao hơn.

Pháp không phải là quốc gia duy nhất đang đẩy mạnh chi tiêu. Ngay cả những nước nổi tiếng thận trọng về tài chính như Áo, Đức và Hà Lan cũng chứng kiến thâm hụt nới rộng trong những năm gần đây. Đại dịch COVID-19 và khủng hoảng năng lượng sau cuộc xung đột Nga - Ukraine đã thúc đẩy các chính phủ chi tiêu nhiều hơn để hỗ trợ nền kinh tế.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng tăng chi tiêu để giảm sự ủng hộ ngày càng tăng cho các đảng phái dân túy, đồng thời đầu tư vào quá trình chuyển đổi xanh và quốc phòng.

Tất cả các quốc gia EU đã trình kế hoạch tái cấu trúc tài chính lên EC. Pháp đặt mục tiêu tham vọng, cắt giảm thâm hụt ngân sách 0,5 điểm phần trăm GDP mỗi năm, đủ để ổn định mức nợ công hiện tại. Tuy nhiên, kế hoạch này dường như khó khả thi về mặt chính trị. Không chỉ Pháp, Đức và Italy (I-ta-li-a) cũng đang đối mặt với áp lực tài chính lớn.

Chuyên gia Jean-François Robin từ ngân hàng Natixis dự đoán chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Pháp so với lợi suất trái phiếu chính phủ Đức sẽ thu hẹp trong năm tới, trước khi gia tăng trở lại trước cuộc bầu cử quốc hội có khả năng được tổ chức vào mùa Hè 2025.

Sự thu hẹp tạm thời này không phản ánh triển vọng kinh tế của nước Pháp, mà là do Pháp được hưởng lợi từ việc nằm ở trung tâm của Eurozone, cùng với Đức. Ông Davide Oneglia từ công ty tư vấn TS Lombard cho rằng vị trí này có nghĩa là Pháp có thể vay với lãi suất gần bằng Đức, trong khi thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hơn nhiều.

Diễn biến thị trường sẽ phụ thuộc vào tình hình chính trị của Pháp. Hiện không có mối đe dọa trực tiếp về khủng hoảng tài chính, hoạt động của các ngân hàng Pháp vẫn ổn định. Nếu Pháp không chứng tỏ cam kết thực sự cắt giảm thâm hụt ngân sách Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ khó có thể can thiệp và mua trái phiếu Pháp.

Nếu chênh lệch lợi suất trái phiếu Pháp tiếp tục nới rộng, các nhà hoạch định chính sách của ECB sẽ rơi vào tình thế khó xử về mặt chính trị. Tình hình Pháp chỉ là một ví dụ điển hình trong bức tranh tài chính căng thẳng mà nhiều quốc gia châu Âu đang phải đối mặt.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục