Pháp tiếp tục điều tra bê bối xung quanh quyền đăng cai World Cup 2022

07:15' - 26/06/2019
BNEWS Năm 2016, Văn phòng Công tố Tài chính Quốc gia Pháp đã mở một cuộc điều tra sơ bộ xung quanh chiến thắng của Qatar trong cuộc canh tranh quyền đăng cai World Cup 2022.
Chủ tịch FIFA Gianni Infantino trong cuộc họp báo sau phiên họp của Hội đồng FIFA tại Miami, Florida (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Truyền thông Pháp đồng loạt đưa tin Văn phòng Công tố Tài chính Quốc gia Pháp tiếp tục điều tra "các hành vi bị cáo buộc là hối lộ chủ động và thụ động" liên quan đến việc bỏ phiếu chọn Qatar làm nước đăng cai Vòng chung kết giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2022.

Cựu Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) Michel Platini ngày 18/6 đã bị Cơ quan chống tham nhũng và tội phạm tài chính và thuế triệu tập đến để lấy lời khai, sau đó bị tạm giam để phục vụ công tác điều tra. Trong khi đó, thời hạn ông Platini bị Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) đình chỉ tất cả các hoạt động liên quan đến bóng đá vì "vi phạm quy tắc đạo đức" sẽ kết thúc vào tháng 10 tới. 

Từ năm 2016, Văn phòng Công tố Tài chính Quốc gia Pháp đã mở một cuộc điều tra sơ bộ về "tham nhũng tư", "câu kết tội phạm", "lợi dụng ảnh hưởng để tư lợi" xung quanh chiến thắng của Qatar trong cuộc canh tranh quyền đăng cai World Cup 2022. Ông  Platini, người thừa nhận đã chọn Qatar trong cuộc bỏ phiếu tháng 12/2010, đã bị triệu tập đến lấy lời khai lần đầu tiên vào tháng 12/2017.

Trong nhiều sự việc, Văn phòng Công tố quan tâm đến bữa ăn trưa được tổ chức ngày 23/11/2010 tại Điện Elysée, với sự có mặt của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, ông Michel Platini, Quốc vương Qatar Tamim Ben Hamad Al Thani, cựu Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Hamad Ben Jassem, cố vấn kỹ thuật phụ trách thể thao của Tổng thống Pháp Sophie Dion và Tổng thư ký Điện Elysée Claude Guéant.

Theo truyền thông Pháp, bà Sophie Dion cũng đã bị bắt giữ và ông Claude Guéant bị triệu tập ngày 18/6 trong tình trạng "nghi phạm tự do".  Vào tháng 10/2010, một tháng trước bữa ăn trưa tại Điện Elysée, ông Platini đã gặp Quốc vương Tamim Al Thani tại Geneva, bên lề buổi thuyết trình của ứng cử viên Qatar tại trụ sở của UEFA ở Nyon.

Văn phòng Công tố Pháp đang điều tra điều ẩn sau bữa ăn trưa tại Điện Elysée, diễn ra chỉ 10 ngày trước cuộc bỏ phiếu quyết định nước chủ nhà World Cup 2022. Trong gần 9 năm qua, cuộc gặp gỡ này gây ra nghi ngờ về vấn đề thông đồng lợi ích hoặc sự can thiệp của nhà nước trong lĩnh vực thể thao.

Tám tháng sau đó, vào tháng 6/2011, câu lạc bộ bóng đá Paris-Saint-Germain (PSG), rất thân thiết với ông Sarkozy, đã được bán cho quỹ Qatar Sports Investments với giá 76 triệu euro. Ông Platini đã phản đối thương vụ này.

Từ năm 2006, PSG là tài sản của quỹ Colony Capital thuộc Mỹ, với đại diện tại Pháp là doanh nhân Sébastien Bazin, người trở thành bạn thân của cựu Tổng thống Sarkozy từ tháng 5/1993 khi xảy ra vụ bắt giữ con tin tại một trường mẫu giáo ở Neuilly-sur-Seine.

Với vai trò là thị trưởng thành phố thời kỳ đó, ông Sarkozy đã dẫn đầu các cuộc đàm phán với kẻ chủ mưu đeo trên người 2 kg thuốc nổ, cuối cùng đã giải thoát 21 con tin, trong đó có con gái của ông Bazin.

Năm 2017, ông Sarkozy gia nhập Hội đồng quản trị của Tập đoàn khách sạn Accor, nơi ông Bazin là Giám đốc điều hành. Vào tháng 2/2019, Accor trở thành nhà tài trợ của PSG trong 3 năm với hơn 50 triệu euro mỗi mùa bóng. 

Bên cạnh đó, Văn phòng Công tố Pháp đang điều tra nghi vấn bữa trưa ngày 23/11/2010 tại Điện Elysée là tiền đề cho sự ra đời của kênh truyền hình BeIN Sports, công ty con của tập đoàn Qatar Al-Jazira. Kênh này chính thức ra mắt vào tháng 6/2012 nhân dịp giải vô địch bóng đá châu Âu UEFA Euro, dưới sự lãnh đạo của Nasser Al-Khelaïfi, chủ tịch hiện tại của PSG và cũng là người thân cận với ông Sarkozy.

Văn phòng Công tố Pháp cũng quan tâm đến những tiết lộ gần đây trên truyền thông, theo đó một hợp đồng bí mật đã được thông qua giữa FIFA và Al-Jazira, ba tuần trước cuộc bỏ phiếu đăng cai World Cup 2022. Phần thưởng 100 triệu USD đã được hứa trong trường hợp Qatar chiến thắng. Số tiền này sau đó đã được trao cho FIFA. Ngoài ra, các thành viên của Ủy ban điều hành FIFA cũng được hứa khoản thưởng 200.000 USD/người trước cuộc bỏ phiếu.

Theo truyền thông Pháp, Văn phòng Công tố có ý định thẩm vấn lại cựu Chủ tịch FIFA nhiệm kỳ 1998-2015 Sepp Blatter (83 tuổi), người Thụy Sỹ hiện, nhằm tìm hiểu sâu hơn một số điểm liên quan đến cuộc bỏ phiếu. Trước đó vào tháng 4/2017, ông Blatter đã đưa ra lời khai như một nhân chứng, trong khuôn khổ thủ tục hỗ trợ pháp lý giữa Pháp và Thụy Sỹ.

Tuy ông Blatter tuyên bố ủng hộ ứng cử viên Mỹ, một số manh mối và nguồn tin tiết lộ ông đã bỏ phiếu cho Qatar trong vòng thứ tư và cũng là vòng cuối cùng. Bị cấm tham gia các hoạt động liên quan đến bóng đá cho đến năm 2021, ông Blatter vẫn khẳng định chiến thắng của Qatar là kết quả của sự can thiệp của phía Pháp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục