Phát hiện cơ chế "đốt mỡ" chống béo phì

06:39' - 03/08/2017
BNEWS Các nhà khoa học vừa phát hiện một cơ chế của não bộ nhằm đốt cháy mỡ sau khi ăn, mở ra cơ hội mới trong việc điều trị bệnh béo phì.

Các nhà khoa học tại Đại học Monash của Australia đã xem xét tiến trình chuyển mỡ trắng - vốn là nơi dự trữ năng lượng - sang mỡ nâu dùng để đốt cháy năng lượng và tỏa nhiệt. Mỡ của cơ thể người được lưu giữ trong các tế bào đặc biệt, được gọi là tế bào tạo mỡ. Các tế bào này có thể chuyển từ trắng sang nâu và ngược lại. 

Nghiên cứu chỉ ra rằng khi lượng glucose trong máu tăng sau bữa ăn, não bộ sẽ phát tín hiệu thúc đẩy quá trình chuyển hóa sang mỡ nâu để cơ thể đốt cháy cạn kiệt năng lượng. Ngược lại, sau khi nhịn đói, não bộ sẽ chỉ đạo các tế bào tạo mỡ nâu chuyển sang tế bào tạo mỡ trắng để dự trữ năng lượng.

Tiến trình phức tạp này được điều khiển bởi một cơ chế trong não bộ, giống như một chiếc công tắc, theo đó, công tắc này sẽ bật lên sau khi nhịn đói và tắt đi sau khi ăn nhằm giúp ngăn ngừa việc tăng hoặc giảm cân quá nhiều. 

Theo các nhà khoa học thuộc Viện Phát triển Y sinh thuộc Đại học Monash, những người bị béo phì là do "công tắc" này luôn luôn ở chế độ bật, ngay cả sau khi ăn. Hậu quả là, việc chuyển hóa mỡ nâu bị gián đoạn và đốt cháy năng lượng bị giảm đi, kéo theo cân nặng tăng.

Hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu khả năng ngăn chặn cơ chế bật/tắt này của não bộ để thúc đẩy quá trình đốt cháy mỡ thừa nhằm đảm bảo quá trình đốt cháy năng lượng phù hợp với thu nạp năng lượng.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu thay đổi cơ chế này có thể phải mất một thời gian dài nữa. Toàn bộ công trình nghiên cứu trên đã được đăng trên tạp chí Cell Metabolism (Chuyển hóa tế bào) của Mỹ ngày 1/8./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục