Phát huy vai trò các tập đoàn kinh tế nhà nước dẫn dắt doanh nghiệp thành phần kinh tế khác

12:36' - 24/03/2021
BNEWS Đề án “Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 26/2/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 02/10/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 Khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng đề án “Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới”. Hiện nay, đề án đang trong giai đoạn hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ.
Để hiểu rõ hơn về nội dung của đề án, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư họp bàn về nội dung liên quan đến doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn. Để thực hiện được vai trò mở đường, dẫn dắt, ông có thể cho biết những tiêu chí, đặc điểm nào để xác định doanh nghiệp quy mô lớn?
Cục trưởng Lê Mạnh Hùng: Triển khai thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 26/2/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn và xác định đây là một đề án quan trọng với nhiều nội dung phức tạp gắn với việc chúng ta định vị vai trò, sứ mệnh của doanh nghiệp nhà nước trong thời kỳ, bối cảnh mới.
Với quan điểm đó, khi xác định đối tượng điều chỉnh của đề án, chúng tôi đưa ra 5 tiêu chí để xác định doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn xét trên các góc độ. Đó là, quy mô, thị trường, quản trị, ngành lĩnh vực hoạt động và tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ.
Xét về quy mô, để thực hiện được vai trò mở đường dẫn dắt, doanh nghiệp nhà nước cần có tiềm lực về tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Chúng tôi dự kiến doanh nghiệp cần có tổng tài sản lớn, hoặc có kết quả tài chính ổn định, có năng lực hấp thụ và làm chủ khoa học công nghệ, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ, đồng thời tăng khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế.
Xét về thị trường, doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn phải có khả chiếm lĩnh thị trường trong nước và có định hướng mở rộng sang thị trường nước ngoài. Đây là một tiêu chí quan trọng với hàm ý doanh nghiệp nhà nước lớn của Việt Nam không chỉ có thế mạnh trên sân nhà mà cần vươn lên cạnh tranh trên thị trường quốc tế với mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu bền vững (tăng trưởng xuất khẩu hoặc thị phần trên thị trường toàn cầu).
Xét về quản trị, doanh nghiệp nhà nước lớn cần thực sự có hệ thống quản trị chuyên nghiệp hiện đại với việc áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp nhà nước của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Xét về ngành, lĩnh vực, chúng tôi chỉ quan tâm đến những doanh nghiệp nhà nước lớn trong những ngành, lĩnh vực mới hoặc có tác động dẫn dắt, lan tỏa như: cung cấp đầu vào quan trọng cho các ngành kinh tế, cung cấp kết cấu hạ tầng; tạo động lực phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ, đi đầu trong tăng cường quốc phòng an ninh, công nghiệp lưỡng dụng (phục vụ đồng thời cho quốc phòng và dân sinh) để bảo vệ Tổ quốc.
Cuối cùng, xét về loại hình doanh nghiệp, chúng tôi tập trung vào Nhà nước nắm giữ 100% vốn hoặc đã có định hướng đa dạng hóa sở hữu tại Công ty mẹ, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Phóng viên: Thưa ông, đối tượng nghiên cứu của đề án là những doanh nghiệp nhà nước nào và liệu những doanh nghiệp này có đủ sức đại diện cho khu vực doanh nghiệp nhà nước để dẫn dắt cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác? 

Cục trưởng Lê Mạnh Hùng: Để nghiên cứu xây dựng đề án, chúng tôi đã có những tổng hợp, đánh giá công phu về thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi cả nước trong giai đoạn 2017-2019. Qua đó, chúng tôi nhận thấy một thực tế là: Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con chỉ chiếm 15% về số lượng nhưng nắm tới 92% tổng tài sản và 89% vốn chủ sở hữu của toàn bộ khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước này hiện diện chủ yếu trong 6 lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Đó là, nông nghiệp, năng lượng, tài chính-ngân hàng, viễn thông, nông nghiệp, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công nghiệp chế biến chế tạo). Trên cơ sở đó, chúng tôi lựa chọn các doanh nghiệp này làm đối tượng nghiên cứu bởi chúng mang tính đại diện cao cho cả khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, do đối tượng này khá rộng nên cần thu hẹp lại để có những nghiên cứu chuyên sâu trong đề án. Do vậy, chúng tôi nghiên cứu và đưa ra những quan điểm chung về chiến lược phát triển và định hướng hoạt động cho khoảng 20 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty trong 6 ngành lĩnh vực nêu trên.
Sau khi phân tích thực trạng doanh nghiệp nhà nước trong từng ngành, chúng tôi tiếp tục lựa chọn ra 4 lĩnh vực có vai trò mở đường, dẫn dắt với sự hiện diện của một vài doanh nghiệp nhà nước có vị trí và thương hiệu tốt để nghiên cứu sâu hơn và đưa ra những giải pháp có tính chất chiến lược, đột phá giúp nâng cao vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong thời kỳ mới.
Phóng viên: Để thực hiện được vai trò mở đường, dẫn dắt doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, đề án sẽ xây dựng những cơ chế, chính sách nào cho doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn?
Cục trưởng Lê Mạnh Hùng: Để doanh nghiệp nhà nước được tự chủ, sáng tạo, phát triển trong một môi trường kiến tạo, tại đề án, chúng tôi đã đưa ra một số giải pháp; trong đó, tập trung vào 4 giải pháp chính. Thứ nhất là tập trung vào việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu; tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác, bắt đầu từ việc sửa đổi Luật Quản lý sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp với các định hướng đột phá, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp.
Thứ hai, mạnh dạn trao quyền hoặc giao nhiệm vụ cho một số doanh nghiệp nhà nước để phát triển các hạ tầng nền tảng và có thể ứng dụng kinh tế chia sẻ, đẩy mạnh phát triển công nghệ số trong tương lai với một số chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số (sand box). Đồng thời, tăng cường đầu tư khoa học công nghệ thông qua hình thức đầu tư mua công nghệ và tham gia mua cổ phần hoặc các dự án của nước ngoài đã có sẵn công nghệ để phát triển và làm chủ công nghệ.
Thứ ba, hiện nay, một số bộ đang được giao quản lý doanh nghiệp nhà nước, nhưng chưa có một văn bản nào quy định rõ một cơ quan có nhiệm vụ quản lý chung đối với hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Do đó, phải xác định rõ cơ quan nào sẽ thực hiện quản lý chung.
Có như vậy, mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước trong việc đưa ra các quy hoạch, định hướng chiến lược về doanh nghiệp nhà nước gắn với định hướng phát triển doanh nghiệp nhà nước; ban hành và sửa đổi các quy định pháp lý đối với doanh nghiệp nhà nước, nắm chung về tình hình sản xuất kinh doanh và thực hiện kiểm tra, giám sát.
Thứ tư là thúc đẩy, tạo cơ chế chính sách để Nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước tham gia phát triển các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, mang tính mới, có khả năng chiếm lĩnh thị trường và vươn ra thế giới thông qua việc sử dụng nguồn lực của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước hoặc cùng phối hợp với các doanh nghiệp nhà nước lớn khác.
Phóng viên: Chính phủ đã luôn ghi nhận và đề cao vai trò của doanh nghiệp vừa và lớn khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Vậy, ông có thể cho biết quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với việc  phát triển các doanh nghiệp này như thế nào?
Cục trưởng Lê Mạnh Hùng: Để xây dựng một nền kinh tế tự chủ, hùng cường, cần có những doanh nghiệp cả trong khu vực nhà nước và khu vực tư nhân đủ sức lớn mạnh về quy mô, thị trường, quản trị, công nghệ, có khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thế giới. Để làm được điều đó, phải đánh giá thực trạng được doanh nghiệp Việt Nam đang ở đâu, thế mạnh của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước là gì để từ đó có những định hướng, quyết sách phù hợp.
Theo tôi, doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn của chúng ta có lịch sử phát triển lâu đời, hoạt động hiệu quả, có thương hiệu và uy tín, vì vậy doanh nghiệp nhà nước lớn cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới tập trung vào đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…Từ đó, tạo lực cho phát triển kinh tế-xã hội, nhường dư địa phát triển cho doanh nghiệp tư nhân ở những lĩnh vực khác.
Từ góc nhìn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ “Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp quy mô vừa và lớn khu vực tư nhân Việt Nam” nhằm khẳng định: chủ trương phát triển tập trung vào các doanh nghiệp lớn trong hai khu vực này là xu thế tất yếu để góp phần hiện thực hóa khát vọng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục