Phát huy vai trò nòng cốt của kinh tế tập thể, hợp tác xã

19:32' - 09/12/2020
BNEWS Ngày 9/12, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã thông tin về Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo: Với phương châm “Hợp tác - đổi mới - phát triển - hiệu quả”, Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ VI sẽ được tổ chức trong 2 ngày 21 và 22/12 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, thành phố Hà Nội.

Chủ đề của Đại hội là "Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; đẩy mạnh xây dựng hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam vững mạnh; thực hiện hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên" sẽ quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới và bầu Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra nhiệm kỳ 2020 - 2025; thông qua Điều lệ (sửa đổi).

Trong thời gian diễn ra Đại hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức triển lãm "Thành tựu phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020" tại Trung tâm Hội nghị quốc gia.

Với quy mô trưng bày hơn 1.500m2, trưng bày trên 600 sản phẩm tiêu biểu của hơn 200 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, hình ảnh, thông tin, tư liệu nhằm khẳng định những thành tựu, đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra trong thời gian cả nước phấn đấu thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch COVID-19 hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Nhiệm kỳ 2016 - 2020, hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã triển khai đồng bộ và hiệu quả, cơ bản hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao theo chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, quy định của Điều lệ, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn cả nước và các địa phương, là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; uy tín của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam ở trong nước và đối tác quốc tế dần được khẳng định.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho hay, giai đoạn 2016 - 2020, cả nước thành lập mới 10.749 hợp tác xã, 81 liên hiệp hợp tác xã, 15.849 tổ hợp tác. Đến cuối năm 2020, cả nước có 26.040 tổ hợp tác, 100 liên hiệp hợp tác xã và 119.000 tổ hợp tác, thu hút 8,1 triệu thành viên ở địa bàn nông thôn tham gia.

Cùng với đó, tỷ lệ hợp tác xã hoạt động hiệu quả đạt 59%; 1.292 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, 3.220 hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Đóng góp trực tiếp của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vào GDP của cả nước trung bình đạt khoảng 4,8%.

Hoạt động hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, khai thác nguồn lực để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã với hơn 150 tổ chức quốc tế, ký kết 14 chương trình hợp tác; tổ chức cho 400 lượt cán bộ khảo sát, học tập ngắn hạn, dài hạn ở nước ngoài và huy động được 3 triệu USD của tổ chức quốc tế hỗ trợ cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng đặt mục tiêu về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 phải hiệu quả và bền vững; đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác trong các ngành nghề, lĩnh vực, thành phần kinh tế và địa bàn, nhất là khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phù hợp với điều kiện của các địa phương.

Bên cạnh đó, thu nhập của thành viên hợp tác xã tăng bình quân 6%/năm trở lên, thu hút hộ cá thể, cá nhân, tổ chức khác là thành viên của kinh tế tập thể, hợp tác xã tăng bình quân 15%/năm. Ít nhất 60% hộ cá thể ở địa bàn nông thôn là thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác. Đến cuối năm 2025, thu hút ít nhất 90% tổng số hợp tác xã, 100% liên hiệp hợp tác xã và 30% tổ hợp tác đang hoạt động là thành viên chính thức của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Đặc biệt, ít nhất 85% tổng số cán bộ quản trị và điều hành của hợp tác xã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản trị, chuyên môn phù hợp; 100% cán bộ và người lao động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam được đào tạo, đào tạo lại kiến thức phù hợp với vị trí việc làm, nhiệm vụ được giao…

Để đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề ra các chương trình hành động trọng tâm như: Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, chính sách của cấp ủy và chính quyền địa phương về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; nâng cao năng lực và hiệu quả thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên.

Đồng thời, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để kết nối với thành viên là hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã và hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục